Để bảo vệ 10 sào chè đang trong thời kỳ thu hoạch, từ mùa hè năm 2021, gia đình ông Phạm Khắc Hiên ở thôn Mỹ Thuận (Kỳ Sơn) đã đào ao với diện tích gần 100m2 để tạo nguồn nước tưới cho cây.
Qua 3 mùa nắng, việc chống hạn cho cây vẫn rất khó khăn, nước dự trữ không đủ để phục vụ tưới nên một số diện tích chè bị chết. Hệ thống béc tưới cũng không phát huy hiệu quả bởi mất khá nhiều công sức vận hành.
Nắm bắt tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, năm nay, ông Hiên đã đầu tư trên 40 triệu đồng để đào thêm một ao trữ nước với diện tích 150m2, đồng thời chuẩn bị lắp đặt hệ thống tưới bằng béc tưới tự động, với kinh phí khoảng trên 30 triệu đồng.
Ông Hiên cho biết: “Mấy năm nay, vì thiếu nước nên cây chè bị chết khá nhiều. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến thu nhập, mà nếu trồng dặm cây chè con vào, vườn chè sẽ phát triển không đều, khó khăn trong thu hoạch. Vì thế, để hạn chế tình trạng chè chết do nắng hạn, năm nay, gia đình tôi đã đầu tư khá đồng bộ từ nguồn nước đến hệ thống tưới bao phủ 100% diện tích chè".
Mặc dù người dân đã rất nỗ lực nhưng kinh phí đầu tư cho việc tưới cây khá lớn nên đến thời điểm này xã Kỳ Sơn mới chỉ có 5/40 ha chè được đầu tư hệ thống tưới chống hạn.
Tại “thủ phủ” chè xã Kỳ Trung, thời gian qua, vùng nguyên liệu này cũng chịu tác động không nhỏ bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Đó cũng là lý do địa phương không thể mở rộng thêm diện tích như kỳ vọng.
Năm 2021, Kỳ Trung có tổng số 150 ha chè các loại, thì đến nay chỉ còn lại khoảng trên 100 ha, trong khi diện tích trồng mới không đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung cho biết: “Để hạn chế thấp nhất tình trạng chè chết cháy, năm nay, xã đã sớm có kế hoạch phối hợp với Xí nghiệp Chè 12/9 tuyên truyền, vận động người sản xuất tập trung thực hiện các giải pháp chống hạn như: đào mới, nạo vét hồ dự trữ nước; khoan giếng, đầu tư lắp đặt mới hoặc củng cố lại hệ thống tưới bằng béc tự động…”.
Để chia sẻ một phần khó khăn với người dân khi chưa có các chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới, năm nay Xí nghiệp chè 12/9 cũng đã quyết định trích lợi nhuận hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng cho việc đầu tư khoan giếng lấy nước tưới cho cây.
Đến thời điểm hiện tại, xã Kỳ Trung có khoảng 40 ha chè của 50 hộ đã được đầu tư hệ thống tưới bài bản, đồng bộ.
Với hiệu quả kinh tế cao, cây chè ngày càng khẳng định được thế mạnh và trở thành cây trồng chủ lực của các xã vùng thượng Kỳ Anh. Tuy nhiên, hàng năm, nhiều diện tích chè bị mất trắng do hạn hán, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập cũng như tâm lý của bà con.
Ông Lê Văn Lãm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng chia sẻ: "Cuộc sống của người dân xã Kỳ Thượng nói riêng và các xã vùng thượng nói chung còn nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu tư thâm canh cây chè và lắp đặt hệ thống tưới khá lớn, nhất là đối với những hộ mới trồng. Vì vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ thì việc đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích sẽ rất khó khăn.
Theo số liệu thống kê, thời điểm này, huyện Kỳ Anh có gần 300 ha chè nguyên liệu, tập trung tại các xã: Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn và Kỳ Tây. So với nước năm trước, tổng diện tích chè đã bị sụt giảm trên 100 ha. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạn hán.
Để giải quyết tình trạng sụt giảm về diện tích chè nguyên liệu, đồng thời thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững cho cây chè ở vùng thượng Kỳ Anh, thời gian qua, người trồng chè đã nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp phát triển diện tích và chống hạn cho cây. Tuy nhiên, ngoài việc phát huy nội lực, người dân nơi đây cũng rất cần sự đồng hành, tiếp sức bằng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các giải pháp bền vững để chống hạn cho cây chè.