Xã Việt Tiến đã phải “xin” nước từ trạm bơm của xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) để cứu lúa.
Trong cái nắng hè bỏng rát, hơn 50 ha lúa của thôn Long Minh (xã Việt Tiến, Thạch Hà) luôn trong tình trạng “ngóng” nguồn nước cấp bổ sung để chống hạn. Những ngày qua, ông Trần Văn Tình (thôn Long Minh) phải túc trực thường xuyên để lấy nước vào ruộng nhưng vẫn không đủ. “Đây là vùng cuối kênh, cao cưỡng, thường xuyên khó khăn về nước tưới. Hơn nữa, cả tháng trời không có mưa, nước bốc hơi nhanh, đất khó duy trì được độ ẩm nên cứ 2 - 3 ngày, tôi lại phải lo đi bơm bổ sung 1 lần. Khổ nỗi, thời tiết này ở đâu cũng cần nước nên vùng cuối kênh có khi không còn nước về mà bơm”, ông Tình cho hay.
Một số thôn của xã Việt Tiến nằm ở cuối kênh tưới Kẻ Gỗ, trong đợt tưới dưỡng đợt 1 phải mất 15 ngày mới đến được chân ruộng, trong đó, “căng” nhất là gần 80 ha của 2 thôn Long Minh, Bùi Xá. Trong khi đó, đập Trằm có chức năng cung cấp nước tưới cho sản xuất lúa trên địa bàn cũng đã ở mực nước chết.
Không còn cách nào khác, chính quyền địa phương xã Việt Tiến phải làm việc với xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) để “xin" chia sẻ nguồn nước từ trạm bơm của xã này để tạo nguồn bơm về ruộng.
Nguồn nước khó khăn nên đến nay một số hộ dân thôn Long Minh mới bắt đầu tiến hành bón thúc đẻ nhánh.
Ông Đặng Hữu Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: “Để cấp được nước về thôn Long Minh, chúng tôi phải lấy từ 2 nguồn là trạm bơm Cầu 23 (thôn Long Minh) và trạm bơm thôn 7, xã Lưu Vĩnh Sơn (đều lấy nước từ hồ Kẻ Gỗ) chuyển về. Tuy nhiên, nguồn nước trạm bơm Cầu 23 đi qua khu vực dân cư nên thất thoát lớn, lượng nước ít không đủ để “cứu” lúa. Vì thế, xã phải thường xuyên cử người “canh” tại trạm bơm thôn 7, xã Lưu Vĩnh Sơn để khi xã bạn đủ nước thì bơm lên hệ thống kênh của thôn Long Minh, tốn kém thêm chi phí rất nhiều. Đây vốn là khu vực khó về nguồn nước nhưng năm nay do nắng hạn kéo dài nên tình hình nước tưới càng căng thẳng hơn".
Mực nước nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh đang xuống thấp.
Nắng nóng gay gắt kéo dài, các xã cuối nguồn ở Hương Khê như: Hương Giang, Lộc Yên (cuối kênh khe Táy); Hương Long, Hương Bình, Hòa Hải (cuối nguồn của kênh Sông Tiêm); Phú Phong (cuối nguồn kênh Giữa của đập dâng Sông Tiêm) đang nằm trong vùng báo động hạn hán.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Trạm trưởng Trạm bơm sông Tiêm (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho biết: “Tình hình nước tưới cho sản xuất trên địa bàn huyện Hương Khê rất căng cẳng. Nhiều hồ, đập trên địa bàn như: Cơn Song, Cơn Trồi, Cha Chạm, Khe Con…, mực nước chỉ còn khoảng 20 - 40% dung tích thiết kế, nếu không có mưa thì chỉ còn đủ tưới dưỡng cho lúa 1 - 3 đợt nữa (vụ hè thu cần khoảng 7 - 8 đợt tưới - PV). Điều đáng lo ngại là vì nắng nóng, lượng nước bốc hơi nhanh nên các đợt tưới phải kéo gần, bình thường từ 7 - 8 ngày mới cần tưới 1 đợt nhưng đợt này cứ 4 - 5 ngày là đã phải tiến hành tưới rồi. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng máy bơm giã chiến để cố gắng đảm bảo cung cấp nước tưới cho các giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây lúa”.
Nhiều hệ thống kênh mương cũng dần cạn nước.
Trong khi đó, hơn 70 ha sản xuất lúa mùa tại xã Xuân Hải (Nghi Xuân) khả năng cao sẽ lỡ thời vụ do ruộng khô khốc, không đủ độ ẩm để tiến hành xuống giống. Ông Cao Xuân Chương - Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết: “Khó khăn trong sản xuất do nắng nóng nên bà con vẫn đang trong quá trình làm đất, có tâm lý cố gắng “chờ trời” xem có mưa bổ sung không”.
Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, nguồn nước năm nay cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tưới cho khoảng hơn 44.800 ha lúa. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ sản xuất, hơn 1.000 ha lúa trên toàn tỉnh đã được dự báo sẽ thiếu nước. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, ít mưa từ đầu tháng 6 đến nay, tình trạng thiếu nước diễn ra càng căng thẳng hơn, đó là các địa phương: Hương Xuân, Điền Mỹ, Gia Phố, Phú Phong (Hương Khê); Xuân Trường, Xuân Lĩnh (Nghi Xuân); Kỳ Khang, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh)…
Bà Phạm Thị Sâm (thôn Đông Vinh, xã Tùng Lộc) cứ 2 - 3 ngày lại phải xách máy bơm ra bơm nước vào chân ruộng.
Vùng cao cạn, cuối kênh lo tìm cách xoay xở để chống hạn còn các vùng thuận lợi, bà con đang phải tập trung bơm tưới để giữ được mực nước trong chân ruộng. Bà Phạm Thị Sâm (thôn Đông Vinh, xã Tùng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Cứ 3 - 4 ngày là phải dùng máy bơm dã chiến để “tăng bo” nước lên ruộng. Từ đầu vụ đến nay chỉ được vài đợt mưa, không đủ thấm ruộng, bà con thêm vất vả và tăng chi phí trong sản xuất khi phải bơm nước liên tục trong nhiều ngày”.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, nắng nóng ở khu vực Hà Tĩnh sẽ còn kéo dài đến khoảng ngày 16/7 với nền nhiệt cao, phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp, 40 - 55%. Trong khi đó, đây là giai đoạn quan trọng để lúa đẻ nhánh, sinh trưởng, vì thế, bà con nông dân, các địa phương, công ty thủy lợi cần chủ động các giải pháp để cân đối nguồn nước chống hạn, đảm bảo sự sinh trưởng ổn định của cây trồng.