Người nông dân Hà Tĩnh "hồi sinh vùng đất chết”

(Baohatinh.vn) - Chỉ tay về phía khu vườn sau nhà, chị Phan Thị Hiền, xã Thượng Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) khoe: Sau bao năm cực nhọc, vùng đất cằn cỗi ngày nào giờ đã phủ kín màu xanh cây trái, mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng.

Chị Hiền nhớ lại những ngày đầu về với vùng đất Anh Hùng, xã Thượng Lộc khai hoang lập nghiệp: “Thôn Anh Hùng, trước đây là thôn Đập Hầu được hình thành từ đội sản xuất của Công ty Cao su Hà Tĩnh với các hộ dân thôn dưới của xã lên làm kinh tế mới. Ngày đó, vùng này chỉ là một vùng hoang sơ, cỏ dại mọc um tùm. Buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất mới điện chưa có, đường vào trang trại là đường đất, vốn liếng chỉ hai bàn tay trắng và nghị lực tuổi thanh xuân. Làm thế nào để vươn lên thoát nghèo là câu hỏi luôn thôi thúc vợ chồng tôi.”

Người nông dân Hà Tĩnh hồi sinh vùng đất chết”

Ngoài trồng cam, trang trại của chị còn là nơi cung cấp cây giống cho bà con trong vùng.

“Những ngày đầu về với vùng đất Anh Hùng, khi thấy vườn đồi của gia đình có độ dốc, không bị ngập úng, dễ khai thác nguồn nước tưới, gia đình chị quyết định trồng các loại cây ăn quả như: Mít, ổi, cam, quýt, vải thiều, nhãn, bưởi phúc trạch và hồng vuông. Theo thời gian, đất Anh Hùng dần hồi sinh. Nhận thấy trong số các loại cây đang trồng, nổi trội là cây cam chanh, cây phát triển tốt, nhiều quả và có chất lượng cao, gia đình tự nhân giống để trồng trên diện rộng. Sau ba năm, cam bắt đầu có quả, cho thu nhập khá, gia đình quyết định tập trung thâm canh cây cam.” – Chị Hiền kể.

Với tính cần cù, ham học hỏi, biết khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, năm 2013 chị Hiền mạnh tay đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống tưới phun tự động và trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm.

Người nông dân Hà Tĩnh hồi sinh vùng đất chết”

Trang trại cam của chị Hiền được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm.

Tiếng lành đồn xa, cam của gia đình chị Hiền được các thương lái đến tận vườn thu mua, giá bán khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, (mùa cam năm 2018 - PV). Hiện trang trại của chị rộng gần 4 ha với 1.250 gốc cam. Trong đó, hơn 320 gốc đang cho thu hoạch, ước tính, mỗi năm thu từ cam và bán giống cây lâm nghiệp trên 1 tỷ đồng.

Ngoài mang lại lợi nhuận cao cho gia đình, mô hình trồng cam của chị Hiền còn trở thành nơi học tập kinh nghiệm, tham quan trải nghiệm của rất nhiều nông dân khác trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm trang trại, chị Hiền cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đam mê và kiến thức. Đam mê mà “hổng” kiến thức thì sớm muộn gì cũng thất bại. Ngoài ra, người làm chủ phải dám nghĩ dám làm, dám mạo hiểm. Tất nhiên, mạo hiểm cũng phải có cơ sở, nhạy bén nắm bắt thời cuộc, các điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

“Trồng cây gì cũng vậy, luôn đòi người trồng phải bỏ thời gian, tâm sức ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Cây cam được đánh giá là loài cây “khó tính”, ngoài sử dụng các biện pháp sinh học, mắc màn chống sâu cho cam, tôi còn dùng ống dẫn dụ côn trùng bằng keo dính và luôn có sẵn máy test độ sạch, máy kiểm tra độ đường, kiểm tra dư lượng phân bón” chị Hiền cho biết thêm.

Người nông dân Hà Tĩnh hồi sinh vùng đất chết”

Trang trại trồng cây ăn quả của chị Hiền mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, chị Hiền luôn hỗ trợ các gia đình trong vùng vượt khó đi lên. Hiện, trang trại của chị đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với thu nhập hơn 4 triệu đồng người/tháng. Ngoài ra, chị còn giúp đỡ về giống cho nhiều hộ gia đình, phổ biến khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cho bà con địa phương.

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, chị Phan Thị Hiền đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành. Đặc biệt, năm 2017 chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2019 chị là một trong 63 nông dân tiểu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xuất sắc tuyên dương nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.