Người phụ nữ ngoại tình bị phạt đánh đòn 100 roi ở nơi công cộng. Ảnh: Hayaturrahmah.
Ông Ivan Najjar Alavi, người đứng đầu bộ phận điều tra chung tại văn phòng công tố phía đông tỉnh Aceh, cho biết tòa án đã tuyên một bản án khắc nghiệt hơn cho người phụ nữ sau khi cô thú nhận với các điều tra viên rằng cô đã quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
Các thẩm phán cảm thấy rất khó để kết tội người đàn ông - người đứng đầu một công ty về thủy hải sản ở phía đông tỉnh Aceh bởi vì anh ta phủ nhận mọi hành vi sai trái. Người đàn ông này cũng đã có gia đình riêng.
“Trong phiên tòa, anh ta không thừa nhận bất cứ điều gì, và phủ nhận mọi cáo buộc. Do đó, các thẩm phán không thể chứng minh anh ta có tội hay không” - ông Alavi cho biết sau khi công khai chỉ trích những người vi phạm Luật Hồi giáo hôm 13/1.
Tỉnh Aceh là khu vực duy nhất ở Indonesia mà người dân phần lớn theo đạo Hồi và vẫn áp dụng Luật Hồi giáo. Cụ thể là pháp luật cho phép đánh đòn những người vi phạm các tội danh: cờ bạc, ngoại tình, uống rượu và quan hệ tình dục đồng tính nam.
Sau khi bác bỏ mọi tội lỗi, người đàn ông đã được phán quyết tội “thể hiện tình cảm với người phụ nữ không phải vợ anh ta”. Được biết, cặp đôi đã bị bắt quả tang có hành vi ngoại tình tại một đồn điền dầu cọ vào năm 2018.
Ban đầu, người đàn ông này bị kết án 30 roi, nhưng sau khi kháng cáo thành công ở tòa án tối cao tỉnh Aceh, mức án đã giảm xuống còn 15 roi.
Theo một phóng viên của tờ AFP có mặt tại hiện trường, hình phạt dành cho người phụ nữ đã bị tạm dừng bởi vì cô không thể chịu đựng nổi cơn đau.
Trước đó, một người đàn ông bị kết tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên cũng bị đánh 100 roi. Các công tố viên cho biết, anh ta sẽ phải ngồi tù 75 tháng sau vụ đánh đòn.
Hàng chục người đã chứng kiến, quay phim lại vụ việc và chia sẻ lên mạng xã hội. Cảnh tượng này thường bị các nhóm nhân quyền chỉ trích nhưng lại thu hút sự chú ý của dư luận.
Các nhóm nhân quyền cho rằng hành động đánh đòn nơi công cộng là một hành động tàn ác. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt hành động này. Tuy nhiên, nó lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân tỉnh Aceh.
Không giống như các địa phương khác của Indonesia, năm 2005, tỉnh Aceh đã có một thỏa thuận với chính phủ trung ương để được phép tự trị và tuân theo luật tôn giáo.