Chủ trương hỗ trợ đóng tàu vỏ thép giúp ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi, đánh bắt hiệu quả
"Phủ sóng" nông nghiệp, nông thôn…
Khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi phát triển rầm rộ ở xã Thạch Ngọc (Thạch Hà). Không phải đến bây giờ người ta mới nhận thấy tiềm năng lớn của vùng bán sơn địa này. Chỉ là vì khi “nút thắt” các cơ chế của chính quyền địa phương được “cởi bỏ” cùng với luồng gió HTLS của tỉnh được ban hành thì thế mạnh ấy mới được “kích thích”.
Theo chân anh Nguyễn Ngọc Hoàng, cán bộ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Thạch Hà ra vùng tập trung trang trại của xã Thạch Ngọc, cứ cách vài ba quãng đồng là một trang trại chăn nuôi tổng hợp. Nghe Hoàng bảo, hơn 30 trang trại chăn nuôi ở đây đều có dư nợ tại ngân hàng từ các nguồn HTLS.
Gia đình anh Nguyễn Trí Song (thôn Đại Long) từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nhà, giờ đây đã là chủ trang trại có hàng nghìn con gà, 300 con vịt, 30 con lợn/lứa và mấy ha mặt nước để nuôi cá. Anh Nguyễn Trí Song cho biết: “Tất cả đều nhờ ngân hàng và Nhà nước chị ạ. Sau khi Quyết định 26/2012/QĐ-UBND (QĐ 26) kết thúc, chúng tôi được ngân hàng hướng dẫn thủ tục để tiếp cận nguồn chính sách mới theo Quyết định 23/2014/QĐ-UBND (QĐ 23). Từ chỗ chỉ vay được 50 triệu đồng QĐ 26, nay tôi được vay theo HTLS tổng số vốn là 150 triệu đồng, nông dân chúng tôi nhờ thế yên tâm mở rộng sản xuất”.
Mức vay cao nhất theo QĐ 23 của xã lên đến 2,2 tỷ đồng/mô hình của ông Lê Quý Hợi. Với quy mô 5 ha, dự án xây dựng trên quy mô chăn nuôi tổng hợp với tổng đầu tư hàng tỷ đồng. Ở vùng bán sơn địa này cũng có đến 5-7 mô hình đầu tư mạnh dạn như thế. Ông Dương Đình Lương - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Thạch Hà cho biết: “Các nguồn vốn HTLS đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Nhất là QĐ 23, nguồn HTLS “chạm” đến những mô hình sản xuất nhỏ, “kích thích” phát triển kinh tế hộ. Lũy kế đến thời điểm này, dư nợ từ QĐ 26 sang QĐ 23 là 294 tỷ đồng với 2.854 dự án. Chi nhánh vẫn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con tiếp cận nguồn vốn”.
Trong khi đó, ở vùng biển Lộc Hà, nguồn vốn QĐ 23 góp phần hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, chăn nuôi bò… Theo Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Lộc Hà thì cơ cấu nguồn vốn vay HTLS theo QĐ 23 chiếm hơn 30% tổng dư nợ. Anh Bùi Ngọc Ánh - Kế toán kiêm phụ trách nông thôn mới xã Thạch Bằng cho biết: “Nhu cầu vay vốn luôn vượt định mức. Năm 2016, nguồn từ QĐ 23 cho những hợp đồng đã ký mà chưa được giải ngân là trên 1 tỷ đồng. Từ phương án sản xuất của người dân, xã sẽ cùng phối hợp với ngân hàng khảo sát, đánh giá khả thi và giám sát sử dụng nguồn vốn một cách chặt chẽ”.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, người dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất, đưa lại thu nhập cao.
Cần “kích” thêm hỗ trợ lãi suất
Chính sách HTLS được thực hiện theo 2 kênh: từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đánh giá về hiệu quả của nguồn lực từ chính sách, ông Trần Hữu Cần - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Các chính sách HTLS đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động SXKD, giúp các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, hộ cá nhân tiết giảm chi phí lãi vay, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đây, bà con có thể khai thác các nguồn tín dụng lớn, khi ngân sách hạn chế thì đây chính là kênh vốn chủ yếu cho SXKD. Tất nhiên, đối với tổ chức tín dụng, ngoài đẩy nhanh tăng trưởng dư nợ thì nhờ HTLS mà lãi suất vay của tổ chức tín dụng ổn định hơn và khả năng thu lãi từ khách hàng đảm bảo hơn”. Theo ông thì nguồn HTLS chẳng khác nào “vốn mồi” để tăng khả năng sử dụng kênh vốn tín dụng cho nhu cầu phát triển.
Trong vòng 5 năm (2011-2015), nguồn giải ngân cho vay HTLS từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 6.771.439 triệu đồng, số tiền lãi được hỗ trợ 204.400 triệu đồng cho 32.990 khách hàng (chính sách của tỉnh cho vay 6.519.156 triệu đồng). Hiện tại, cơ bản các chính sách đã “khép” lại, chỉ còn QĐ 23 (thay thế QĐ 26 và QĐ 09 nhưng hạ trần quy mô).
Ông Đào Văn Tình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Bằng cho hay: “Riêng về chăn nuôi bò nhốt, xã có đến hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô 3-4 con. Với mức đầu tư này thì chưa thể vay được HTLS, tuy nhiên, nghề chăn nuôi này đang phát triển mạnh ở địa phương. Chúng tôi chỉ mong muốn tỉnh tiếp tục kéo dài chính sách cho các mô hình lớn nhưng phần khác hạ trần quy mô tương xứng để các hộ chăn nuôi nhỏ có thể tiếp cận được chính sách”.
Hiện tại, chương trình khung của UBND tỉnh đang tiếp tục được thực hiện. Các chính sách đang được rà soát và đánh giá lại để chuẩn bị xây dựng bộ chính sách mới đồng bộ hơn. Đây sẽ là điều kiện góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển…