Tượng thờ Nguyễn Công Trứ tại đền thờ ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Bài viết này xin được góp đôi lời về sự dấn thân của Nguyễn Công Trứ thời hàn nho, thời làm quan lên Thượng thư xuống lính thú và trong thi ca tình yêu cuộc sống.
Nguyễn Công Trứ con ông Nguyễn Công Tấn làm Tri phủ đời Lê thất thế phải bỏ về quê làm nghề dạy học kiếm sống rồi mất trong nghèo đói, để lại 3 gian nhà dột và 6 người con. Bấy giờ, Nguyễn Công Trứ 20 tuổi. Một gia cảnh buồn tênh:
Đầu giường tre, mối dũi quanh co
Góc tường đất giun bò lố nhố
Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó
Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu
Đầu giàn chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ...
Và ông chủ hàn nho Nguyễn Công Trứ thì một manh áo vải lạnh làm mền, nực làm gối với cái nghèo đói, nợ nần đeo đẳng. Trong tình cảnh như thế, người ta dễ dàng buông xuôi, an phận. Nguyễn Công Trứ không chỉ “an bần, lạc đạo” mà ông nung nấu một niềm tin mãnh liệt rằng, mình có tài “tú khí giang sơn hun đúc lại”. Theo ông, muốn ra khỏi bế tắc nghèo khổ, túng bấn, chỉ có mỗi cách là dấn thân thực hiện mộng công danh: Trước là sỹ sau là khanh tướng. Ông đã quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/ Chí những toan sẻ núi lấp sông/ Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ. Thế nhưng, thật lận đận. Khoa thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn - Gia Long thứ 6, Đinh Mão 1807, Nguyễn Công Trứ dự thi lần thứ nhất, bị hỏng. Khoa thi Hương lần thứ 12, Quý Dậu 1813, Nguyễn Công Trứ đậu sinh đồ (tú tài). Mà Tú tài thì chưa được làm quan.
Mãi đến năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 (1819), ông mới đỗ Giải nguyên và được bổ nhiệm chức Hành tẩu Quốc sử quán. Dằng dặc 12 năm, 3 lần lều chõng tới trường thi, mãi 42 tuổi Nguyễn Công Trứ mới có chức quan nhỏ trong vương triều nhà Nguyễn.
Dù thời cuộc ra sao, hoàn cảnh gia đình thế nào, ông vẫn lạc quan yêu cuộc sống: “Trời đâu riêng khó cho ta mãi? Vinh nhục dù ai cũng một lần/ Tin xuân đã có cành mai đó...”, vẫn khảng khái dấn thân, không bao giờ lựa chọn sự dung thân, an phận, ẩn dật: Ông tuyên bố:
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận thì phải gắng gỏi kiếm cung
Làm cho tỏ tu mi nam nữ
Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh gì với núi sông
Đi không chẳng lẽ về không.
Nguyễn Công Trứ làm quan suốt gần 30 năm, trải các đời vua: Minh Mệnh (trị vì từ năm 1820 đến 1841), Thiệu Trị (trị vì từ 1841 đến 1847), Tự Đức (trị vì từ 1847 đến 1883). Đấy là giai đoạn lịch sử Việt Nam có nhiều biến động, một “thời đại bế tắc, ở vào hoàn cảnh hẹp hòi, trên vua thì nghi kỵ, dưới các quan thì phần nhiều là bọn dung tục, chẳng có tư tưởng gì cao thượng” (Lê Thước; Sự nghiệp và thi văn Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ; Lê Văn Tân; Hà Nội; 1928).
Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân. Ảnh: Huy Tùng
Mấy ai như Nguyễn Công Trứ phụng sự ba đời vua “Hết hai chữ trung trinh báo quốc/ Một lòng vì nước vì dân”. Và cũng không vị quan triều Nguyễn nào đường hoạn lộ lại thác ghềnh, sóng gió như Nguyễn Công Trứ. Một nhà nho tài năng lừng lẫy, một viên quan trấn nhậm ở những vùng miền gai góc, khó khăn, một võ tướng đánh Nam, dẹp Bắc bao giờ cũng đem thắng lợi về cho triều đình, một Doanh điền sứ tổ chức khai hoang lấn biển với diện tích 38.095 mẫu, số đinh lên tới 4.000 người, một nhà thơ xuất sắc của thế kỷ... Vậy mà 7 lần bị truất, giáng... Điển hình như năm 1841, bị kết án trảm giam hậu, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú…
Nguyễn Công Trứ, danh cao thì Thượng thư, Tổng đốc, Tuần phủ, thấp thì Lang trung, lính thú... Phải có một bản lĩnh ngang tàng, khinh thị, một tình yêu cuộc sống nồng nàn, một lý tưởng dấn thân cháy bỏng mới chịu nổi những cú va đập khắc nghiệt và bất công ấy. Không chỉ kiên cường và nhẫn nại chịu đựng, trong Nguyễn Công Trứ, cái khát vọng “kinh bang tế thế”, cái lý tưởng “làm nên đấng anh hùng”, càng cháy bỏng, mãnh liệt hơn. Xem ra, trong cõi nhân gian nhốn nháo những phi lý, bất công, lọc lừa, ở những chặng “xuống chó” trên đường hoạn lộ, thậm chí ở những tình huống mang gông vì tội mưu phản, “Trảm giam hậu” vì kháng chỉ, Nguyễn Công Trứ vẫn khảng khái dấn thân, không thất vọng, nản chí, không oán đời, không cay cú hằn học, đi chọn sự dung thân hèn yếu.
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
Đấy là tuyên ngôn, là triết lý sống dấn thân của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ.
Tám mươi năm sau ngày Nguyễn Công Trứ mất, Lưu Trọng Lư, một nhà thơ tiền chiến viết trong Tạp chí Tao Đàn, 1939: “Ở trong thi văn Nguyễn Công Trứ, một cái gì chưa từng có trong văn chương Việt Nam - một nguồn cảm hứng mau lẹ, quả quyết như một đạo cảm tử. Cái thể ca trù nhờ phép thần của Nguyễn Công Trứ trở nên một thể cách hoàn toàn Việt Nam, rất thích hợp với những sự xuất diễn hùng mạnh...
Tôi nhớ như có lần cụ Huỳnh Thúc Kháng ví cái điệu thơ ấy với thủy triều - thật không phải là một lời nói vu vơ. Điệu ca trù còn hơn một sức mạnh nữa (...) Nó là một sản vật hoàn toàn Việt Nam” (dẫn theo Vương Trí Nhàn; Nguyễn Công Trứ - Con người, cuộc đời và thơ; NXB Hội Nhà văn; 1996). Như ta đã biết, ca trù có từ thế kỷ XV thời nhà Lê là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói.
Bài “Vịnh Tỳ bà hành” là một trong những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ được nhiều đoàn ca trù biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra tại Hà Tĩnh (Tháng 11/2018)
Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ XIX, Nguyễn Công Trứ sử dụng nó một cách tài tình, biến thể thơ hát nói trong ca trù thành một thể thơ thuần Việt - một đóng góp to lớn, quan trọng vào nền thơ dân tộc và cũng là ông đã nâng ca trù lên thành một nghệ thuật độc đáo, đặc sắc cho văn hóa nước nhà. Ông cũng là người soạn bài hát cho đào nương Cổ Đạm và soạn nhiều sách về ca trù như Thiên Nam quốc âm ca khúc, Ca trù thể cách, Ca điệu lược ký...
Với Nguyễn Công Trứ, thi ca là nơi hiển thị rõ nhất, sâu xa nhất sự lạc quan, tự tin, tự do, khảng khái, kiêu hãnh, phong tình:
Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi
Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi
Nhắn con tạo hóa xoay thời lại
Để khách tang bồng rộng đất chơi.
Ông tự nhận:
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già càng dẻo càng dai
Mà để thực hiện được khao khát của mình, không có con đường nào khác ngoài dấn thân xuất thế, nhập thế.
Vào vòng cương tỏa chân không vướng
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.
Nói cách khác, cuộc dấn thân của Nguyễn Công Trứ trong thi ca giữa cuối thế kỷ XVIII, lần đầu tiên trong lịch sử thi ca Việt Nam khẳng định nhu cầu hưởng thụ của con người, nâng nó lên thành một triết lý sống thì nhiều nhà thơ Hà Tĩnh thế kỷ XVIII như Nguyễn Huy Oánh, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du chưa làm được. Mà theo tôi, trong không gian đạo đức bấy giờ, giữa những giới hạn cay nghiệt của vận động lịch sử, để làm được cái điều độc đáo ấy, Nguyễn Công Trứ đã trung thành với triết lý dấn thân có từ thuở hàn vi.
Tám chục năm sống trên đời, 40 năm là kẻ hàn nho, hơn 30 năm là quan to, quan nhỏ, đóng góp to lớn cho dân, cho nước ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thi ca, đến lúc về già không cửa, không nhà Bảy chục về hưu còn ở trọ/ Tám tuần góa vợ luống trở già, cuộc đời Nguyễn Công Trứ là một bài học sâu xa về triết lý dấn thân. Dấn thân vì lý tưởng, vì sự nghiệp, vì sự sống, vì quần chúng nhân dân và cả vì tính ham chơi của mình: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”.