Đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 6.000/59.300 ha lúa xuân cuối cùng phân bổ chủ yếu ở huyện Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên... bước vào giai đoạn trổ từ nay đến ngày 5/5. Tuy vậy, do trùng vào thời điểm mưa lớn, gió thổi mạnh và nhiệt độ giảm khiến cây gặp khó trong quá trình thụ phấn, thụ tinh, ảnh hưởng đến năng suất. Đặc biệt, thời tiết này còn là điều kiện lý tưởng cho bệnh đạo ôn cổ bông phát tán.
Bà con nông dân chăm thăm đồng, theo dõi quá trình phát sinh của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Chị Trần Thị Hạnh (thôn Bằng Châu, xã Thạch Châu, Lộc Hà) cho biết: “Rải rác trong chân ruộng đã phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông. Tôi tính dịp này phun phòng trừ đợt 2 để ngăn bệnh lây lan nhưng thời tiết còn mưa, âm u, phiến lá ướt nên chắc phải chờ thêm cho trời nắng ráo hẳn rồi mới tiến hành”.
Huyện Cẩm Xuyên còn khoảng 1.200 ha lúa chưa trổ (gần 8.300 ha đã trổ), đây là những diện tích cần đề phòng lớn nhất với bệnh đạo ôn cổ bông khi thời tiết diễn biến khó lường. Cùng với đó, các vết bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá xuất hiện trước đó cũng là mầm bệnh thường trực, có thể chuyển tiếp gây hại trên cổ bông.
Ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Huyện tiếp tục khuyến cáo phun phòng với các diện tích vào giai đoạn trổ vè (trổ 3 - 5%), tiếp tục phun phòng đợt 2 với những giống nhiễm như VNR20, Khang Dân, Bắc Thịnh, RVT… và vùng có nguy cơ cao, vùng “rốn” đạo ôn khi lúa kết thúc giai đoạn trổ”.
Đạo ôn cổ bông gây hại trên ruộng lúa ở huyện Nghi Xuân.
Được biết, bệnh đạo ôn cổ lá đã xuất hiện trên giống Thái Xuyên 111, ADI 168, VNR20, Bắc Thịnh, P5… tại các xã: Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên); Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân (Đức Thọ)... Đây là nguồn bệnh có nguy cơ chuyển tiếp gây hại trên cổ bông rất cao.
Bệnh đạo ôn cổ bông cũng đã xuất hiện trên giống N24, XT28, P6 (tỷ lệ bệnh trung bình 2-3%, nơi cao 10-15%) với diện tích nhiễm 1 ha, phân bố tại các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Đức Thọ... Đến nay, toàn tỉnh thực hiện phun phòng trừ trên 20.500 ha lúa xuân.
Bệnh khô vằn, bạc lá đe dọa nhiều diện tích lúa
Cùng với bệnh đạo ôn cổ bông, nhiều bà con cũng đang “đau đầu” vì bệnh khô vằn. Bệnh xuất hiện trên những chân ruộng sâu trũng, gieo cấy bón thừa đạm, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh (tỉ lệ trung bình 3 - 7%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 25 - 35%). Chỉ trong hơn 15 ngày (từ giữa tháng 4 đến nay), số diện tích nhiễm đã tăng thêm hơn 600 ha nâng diện tích nhiễm toàn tỉnh lên khoảng 3.600 ha.
Bệnh khô vằn xuất hiện trên những chân ruộng sâu trũng, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Chị Trần Thị Sáu (thôn Mỹ Châu, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà) cho biết: “Gia đình có 7 sào lúa thì 5 sào bị nhiễm bệnh khô vằn. Mặc dù đã phun phòng khi lúa làm đòng nhưng không hiệu quả do thời tiết mưa ẩm, đến nay, bệnh vẫn có dấu hiệu lan rộng".
Ông Bùi Trọng Đỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu (Lộc Hà) cho biết: “Bệnh khô vằn gây hại nặng nề nhất từ giai đoạn lúa trổ đến chín, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Chúng tôi tập trung giám sát đồng ruộng, chủ động phát hiện và hướng dẫn bà con phun phòng trừ kịp thời, chú trọng trên các diện tích sâu trũng, bón thừa đạm, gieo cấy dày; sử dụng một trong các loại thuốc như: Vida 5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt super 300ND...”.
Ngành chuyên môn tăng cường theo dõi, hướng dẫn người dân phòng trừ dịch bệnh trên lúa xuân.
Cùng với đó, bệnh bạc lá đang gây hại trên đồng ruộng (tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao - 10%), diện tích nhiễm khoảng 10 ha, phân bố tại Nghi Xuân, Lộc Hà… Bệnh vàng lá di động phát sinh gây hại rãi rác trên giống Bắc Thịnh, KD18… phân bố tại Thạch Hà.
Các trận giông, lốc diễn ra trong thời điểm này cũng là điều kiện cho bệnh bạc lá phát sinh và lây lan trên diện rộng, nhất là đối với các giống như: Thái Xuyên 111, Bte1, ADI168, Xuân Mai 12…
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Những diện tích trổ bông đúng vào thời điểm thời tiết xảy ra mưa lớn có thể bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, dễ bị lem lép hạt. Sau khi thời tiết tốt trở lại, các địa phương cần hướng dẫn bà con thăm đồng, theo dõi quá trình phát sinh của sâu bệnh, gấp rút phun phòng trừ đạo ôn cổ bông trên những diện tích đang trong quá trình trổ. Những diện tích đã trổ tại các địa phương cũng cần theo dõi diễn tiến của dịch bệnh để xử lý kịp thời.
Đối với bệnh đạo ôn, khi lúa trổ bông từ 3 - 5% thì tiến hành phun phòng để hạn chế phát sinh gây hại của bệnh, sau đó phun phòng lại khi lúa trổ được khoảng 7 ngày. Đối với bệnh khô vằn, cần chú ý phun phòng trừ sớm, nhất là ở các ruộng sâu trũng, ngập nước; tiếp tục theo dõi tình hình phát sinh của bệnh bạc lá để khoanh vùng, xử lý trong diện hẹp”.