Dọc trên các cánh đồng ở xã Hà Linh, người qua đường không khó để bắt gặp những cánh đồng ngô khô vàng. Sau hơn 3 tháng chăm bón, nhiều hộ gia đình bị thất thu trước kỳ thu hoạch.
Chị Châu Thị Hảo (thôn 5) chia sẻ, vụ đông năm 2023, gia đình sản xuất 2 sào ngô giống 511. Thời gian đầu cây sinh trưởng khá tốt, tuy nhiên sau khi trổ bắp, kết hạt thì thân cây ngày càng héo úa rồi chết khô. Không chỉ chất lượng kém do ngô chưa đủ tuổi thu hoạch mà năng suất hạt cũng chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Gia đình phải thu hoạch sớm để làm thức ăn chăn nuôi.
Tương tự tại xã Hương Giang, gia đình ông Lương Văn Lập (thôn 3), trồng 3 sào ngô vụ đông muộn - xuân sớm. Tuy nhiên, 2 sào ngô nếp giống H68 bị chết khô trước kỳ thu hoạch. Ông Lập thất vọng: "Trong giai đoạn trổ cờ, thân cây có xuất hiện nấm màu trắng bạc, gia đình có tính đến việc thu hoạch sớm để bán bắp non (bán ngô luộc) nhưng năm nay thị trường khó khăn, không có người hỏi mua. Tranh thủ những ngày nắng, chúng tôi cố gắng thu hoạch vớt vát để thu hồi một phần chi phí sản xuất".
Theo điều tra của cán bộ chuyên môn Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê (Trung tâm), trên trà ngô đông muộn - xuân sớm trong giai đoạn hạt ngậm sữa, chín sáp, sắp thu hoạch xuất hiện hiện tượng bị khô cây. Tình trạng tập trung chủ yếu trên giống ngô CP511, tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện như: Hà Linh, Hương Xuân, Điền Mỹ, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Đô, Hương Giang với diện tích gần 66,50 ha.
Trước thực trạng này, huyện Hương Khê đã mời lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), đại diện Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam (đơn vị cung ứng giống ngô CP511) trực tiếp kiểm tra tại đồng ruộng. Cán bộ Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu cây ngô bị bệnh gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV để phân tích tìm tác nhân gây bệnh.
Phiếu trả lời kết quả giám định mẫu bệnh hại của Viện Bảo vệ thực vật cho thấy, những diện tích ngô bị khô có sự hiện diện của nấm gây bệnh đốm lá lớn, nấm gây bệnh đốm lá nhỏ. Đây là những bệnh phổ biến gây hại trên ngô trong thời kỳ ngô hình thành hạt đến khi sắp thu hoạch.
Tại Hương Khê thời gian qua, thời tiết có nhiều bất lợi với cây trồng. Trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao, ánh sáng yếu, mưa, nắng xen kẽ, sương mù nhiều đã khiến nhiều loại sâu, bệnh phát triển. Mặt khác, do tập quán gieo trồng mật độ dày, quá trình canh tác bón phân không cân đối; người dân chủ quan chưa thực hiện đúng quy trình canh tác và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh theo khuyến cáo... Do vậy làm cho bệnh lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn.
Ông Trần Hoài Sơn – Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho biết: Toàn huyện đang tập trung khuyến cáo người dân các giải pháp khắc phục. Theo đó, với diện tích ngô bị nhiễm bệnh, hạt ngô bước vào giai đoạn chín sáp, có thời gian sinh trưởng trên 110 ngày cần tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch sớm, hạn chế bào tử nấm phát tán lên bắp ngô làm thối bắp, thối hạt ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt thương phẩm.
Với những diện tích ngô có thời gian sinh trưởng từ 90 - 100 ngày bị nhiễm bệnh, người dân cần thực hiện biện pháp cắt, ủ chua để dự trữ làm thức ăn chăn nuôi.
Cán bộ chuyên môn của Trung tâm cũng đang phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp luân canh cây trồng (cây họ đậu) để hạn chế nguồn bệnh tích luỹ, hạn chế ảnh hưởng của bệnh khô vằn và đốm lá lớn ở các vụ ngô sau.
Tuyên truyền bà con tăng cường bón phân chuồng để tăng vi sinh vật đối kháng, giúp cây kháng bệnh tốt. Trước vụ sản xuất xử lý đất bằng vôi, bón cân đối để giúp cây ngô khoẻ. Phun phòng trừ nấm gây hại cây ở giai đoạn 7-9 lá và giai đoạn ngô xoắn nõn để hạn chế nguồn bệnh phát triển, lây lan.