Năm 2018, thực hiện đề án trồng cam chất lượng cao trên vùng bán sơn địa của UBND huyện Cẩm Xuyên, ông Nguyễn Đình Tấn (SN 1965) trú tại thôn Quỳnh Sơn, xã Cẩm Sơn mạnh dạn xoá bỏ vườn tạp, trồng hơn 200 gốc cam giống V2 trên tổng diện tích 1,3 ha. Sau hơn 6 năm, khu vườn của ông Tấn trở thành một trong những vườn mẫu điển hình của xã, mang về cho gia đình mức thu nhập khá.
Ông Tấn chia sẻ: “Khi mới bắt đầu triển khai mô hình trồng cam chất lượng cao, tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ 100% chi phí giống, Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Với định hướng trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, vườn cam của tôi cho năng suất cao, chất lượng cam ngọt, được nhiều người tiêu dùng yêu thích”.
Cũng theo ông Tấn, vườn cam chất lượng cao hiện cho thu hoạch khoảng 3 tấn/năm, đem về cho gia đình mức thu nhập 75 – 80 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ rộng mở tại các địa phương trong tỉnh như: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà,… và nhiều tỉnh/thành khác như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Cùng với gia đình ông Tấn, xã Cẩm Sơn có thêm 2 vườn cam chất lượng cao với quy mô 200 – 350 gốc/vườn, cho năng suất từ 2-3 tấn/năm.
Đầu năm 2024, ông Hoàng Văn Chương (SN 1968) trú tại thôn Thượng Sơn đầu tư xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn với tổng kinh phí lên tới hơn 500 triệu đồng. Đây là mô hình nuôi lươn thương phẩm đầu tiên trên địa bàn xã Cẩm Sơn. Với những hiệu quả bước đầu, mô hình từng bước mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Ông Chương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, làm thợ xây, vì vậy thu nhập bấp bênh. Sau khi tìm hiểu các mô hình nuôi lươn không bùn, tôi quyết định đầu tư xây 20 bể nuôi lươn với tổng diện tích khoảng 150 m2. Với số lượng khoảng 40.000 con giống, tôi kỳ vọng có thể đạt 5 tấn lươn thương phẩm sau 8 tháng nuôi. Nếu thuận lợi, sau 2 tháng nữa tôi sẽ xuất bán lứa lươn đầu tiên, dự kiến mức lợi nhuận khoảng 150 – 200 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi lươn, tôi cũng đang có kế hoạch cải tạo 600 m2 ao hồ để thí điểm mô hình nuôi cua đồng".
Với mục tiêu đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, xã Cẩm Sơn tích cực linh hoạt các giải pháp sản xuất, ứng dụng công nghệ, đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu lớn nhất nhằm tái cơ cấu sản xuất, chuyển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, khai thác tối đa giá trị.
Vụ đông năm 2024, xã là địa phương đầu tiên trong 9 xã phía Nam huyện Cẩm Xuyên thí điểm trồng cây khoai lang giống Nhật trên tổng diện tích 4 ha. Đây là giống khoai ít mầm bệnh, khả năng sinh trưởng tốt, cho chất lượng củ ngon ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ rộng mở.
Chị Trần Thị Hằng (SN 1985) trú tại thôn Hương Sơn, cho biết: “Trước đây, 3 sào diện tích của tôi chủ yếu trồng lạc, năm nay, gia đình tôi quyết định sản xuất vụ đông với cây khoai lang giống Nhật. Nhờ sự hỗ trợ 100% chi phí giống từ địa phương và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc từ cán bộ nông nghiệp, tôi và nhiều hộ dân khác kỳ vọng có thể nâng cao mức thu nhập từ vườn hộ của mình”.
Bên cạnh xây dựng các mô hình kinh tế, vườn mẫu cho thu nhập cao, thời gian qua, xã Cẩm Sơn còn tập trung phát huy hiệu quả kinh tế từ hơn 3.300 diện tích đất lâm nghiệp; phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại; nâng cao hiệu quả hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Ông Hoàng Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: “Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế xã hội, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Cẩm Sơn đang chú trọng xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới như: nuôi lươn không bùn, nuôi dúi, nuôi hươu sao… Toàn xã hiện có 5/9 thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu, 35 vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao”.
Cũng theo ông Hiệp, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, địa phương cũng có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tạo điều kiện để người dân có thể tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Với nhiều hoạt động đa dạng, phát huy tối đa tiềm lực phát triển kinh tế tại vùng bán sơn địa, xã Cẩm Sơn đặt mục tiêu tăng 10,5% tổng thu nhập, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trên 57 triệu đồng/người/năm và giảm 1,2% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2024.