Xa quê đã lâu nhưng mỗi mùa hè tới là tôi lại nhớ về mảnh vườn phía sau ngôi nhà nhỏ, nơi tuổi thơ đi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm khó phai mờ. Trong mảnh vườn xinh xắn ấy, nổi bật hơn cả là 5 cây vải mà nội tôi đã trồng từ thời ông còn trẻ. Khi tôi ra đời, những cây vải ấy đã sum suê cành lá tốt tươi và mùa nào cũng trĩu quả.
Mùa hoa vải. Ảnh Internet
Tôi còn nhớ, cứ vào ngưỡng sau tết Nguyên đán hằng năm, khi từng chùm hoa trên những cây vải bung nở trắng trời, tỏa hương thơm ngát, sau giờ học buổi sáng hay buổi tối là tôi cùng lũ trẻ trong xóm lại kéo nhau ra vườn ngắm hoa và thưởng thức mùi hương hoa vải. Chúng tôi thường chơi trò đuổi bắt chạy quanh những gốc vải rất vui nhộn.
Vào dịp trăng sáng, bọn trẻ chúng tôi còn mắc võng buộc từ gốc cây vải này sang cây vải khác rồi nằm ngắm bầu trời. Lãng mạn hơn là khi những chùm hoa vải vào độ kết trái, hàng ngàn cánh hoa nhỏ li ti theo làn gió lay nhẹ rụng rơi xuống vương đầy tóc, đầy người lúc lũ trẻ chúng tôi nô đùa dưới gốc cây.
Khi mùa hoa vải qua đi, thoáng chốc đã tới kỳ vải chín. Những chùm vải với màu đỏ rực rỡ, quả nào quả nấy tròn xoe phơi mình trong nắng hè chói chang.
Mùa vải chín thường gắn liền với mùa chim tu hú gọi bầy về ăn quả ngọt. Chẳng vậy mà, khi những chùm vải chuẩn bị chuyển từ màu xanh sang màu ửng đỏ là bao giờ ông nội cũng giục bố tôi nhanh chóng giăng lưới phủ kín phía trên những lùm cây để bảo vệ thành quả.
Mùa vải chín thường gắn liền với mùa chim tu hú gọi bầy về ăn quả ngọt. Ảnh Internet
Khi mùa vải chín tới, nếu cha mẹ tôi mừng một thì tôi cũng như lũ trẻ trong xóm mừng mười, vì biết chắc rằng khi hái vải để bán, bao giờ cha mẹ cũng luôn dành một số lượng nhất định để chia cho trẻ ăn, thậm chí mẹ tôi vẫn luôn có thói quen chia cho tất cả các hộ dân trong xóm mỗi nhà một chùm vải lớn để thưởng thức.
Nhớ về mùa vải chín, tôi luôn thầm cảm ơn nội - người đã mang giống cây từ vùng Thanh Hà (Hải Dương) về trồng trong vườn nhà, để những mùa vải cứ tiếp nối mùa dâng quả ngọt cho đời. Chính những cây vải trong vườn nhà ấy đã được xem là “cứu cánh” cho gia đình, bởi quãng đời ấu thơ tôi, trong giai đoạn túng kém, nguồn thu từ bán vải cũng giúp mẹ có thêm tiền đong gạo, để các bữa ăn của gia đình thêm phần “tươi” hơn; thậm chí tiền đóng học phí, mua quần áo, bút, sách, cùng nhiều thứ đồ dùng học tập khác của mấy anh chị em chúng tôi cũng từ bán vải mà ra.
Mẹ tôi không bao giờ quên nhắc cha lựa những chùm vải to nhất, màu rực rỡ nhất để đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên, ông bà. Ảnh Internet
Khi tôi lớn lên, xa quê ra thành phố học tập cũng là lúc ông bà nội tôi về với tiên tổ, vườn vải được cha mẹ tôi tiếp quản. Những cây vải ấy cứ thế lớn dần lên, tán ngày một tỏa rộng, vươn cao và tới mùa quả hằng năm nó lại cho bao nhiêu là trái chín. Nhiều năm nay, khi gia đình tôi khấm khá hơn thì vào mùa thu hoạch vải, cha mẹ tôi không bán nữa mà thường mang quả làm quà cho con cháu, biếu bà con dòng họ, hàng xóm ăn cho vui.
Chẳng vậy, năm nào cũng thế, không chỉ trẻ con quanh xóm, trong làng mà nhiều người lớn cũng luôn ngóng trông mùa vải chín. Và mỗi độ hái quả, mẹ tôi không bao giờ quên nhắc cha lựa những chùm vải to nhất, màu rực rỡ nhất để đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên, ông bà.
Mùa vải năm nay lại tới, trong nôn nao nỗi nhớ quê, nhớ những cây vải trong khu vườn nhỏ xinh trĩu quả là bao ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi…