Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tham quan Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV - Bắc miền Trung lần thứ 23 tại Hà Tĩnh (ngày 14/8/2018). Ảnh: Giang Nam
Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh hiện có hơn 200 hội viên hoạt động trong các chuyên ngành: Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu - biểu diễn nghệ thuật. Hàng năm, Hội Liên hiệp VHNT đều có các hoạt động hỗ trợ sáng tác như: Tổ chức trại viết trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các công trình sáng tác của các cá nhân, hỗ trợ các tác giả tham gia liên hoan, triển lãm chuyên ngành khu vực và toàn quốc… Tuy nhiên, điều đó cũng không giúp cải thiện được thực tế thiếu hụt đội ngũ kế cận. Biểu hiện rõ nhất là ở lĩnh vực văn xuôi, mỹ thuật, lý luận phê bình…
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Phú - Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh: “Ở lĩnh vực văn xuôi đã xẩy ra sự giãn khoảng cách giữa các thế hệ kế cận. Nếu như thời Đức Ban đến Phan Trung Hiếu, Nguyễn Ngọc Phú là 10 năm thì từ thời của chúng tôi đến thế hệ Trần Quỳnh Nga, Trần Thị Hải Vân, Trần Tú Ngọc… là 20 năm. Không chỉ giãn khoảng cách, có nhiều cây bút ở thế hệ kế cận chợt lóe lên đầy hy vọng nhưng cũng vội tắt trong sự hẫng hụt của độc giả. Đó là Tống Phú Sa, là Phan Thế Dũng Toàn… Nghiêm trọng hơn, sau họ, chúng tôi chưa nhìn thấy thế hệ kế cận. Đừng nói đến mong chờ tác phẩm đỉnh cao mà tác phẩm để duy trì “nhịp thở” cho văn xuôi Hà Tĩnh cũng đang là điều chúng tôi hết sức lo ngại”.
Chuyên ngành thơ tuy không bị đứt gãy thế hệ nhưng lại thiếu tác phẩm đỉnh cao
Không thiếu hụt tác giả như văn xuôi, thơ Hà Tĩnh tuy không chịu sự đứt gãy thế hệ nhưng cũng “đỏ mắt” chờ tác phẩm đỉnh cao. Sau Duy Thảo đến Nguyễn Ngọc Phú, Lê Văn Vỵ, Quỳnh Như là Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Trần Đức Cường, Hồ Minh Thông, Nguyễn Thị Thương, Trần Thị Ngọc Mai, Nguyễn Tuyết Mây, Hoàng Vĩnh Hương… Các tác giả thế hệ kế cận đều đặn sáng tác và hàng năm chuyên ngành thơ cũng có nhiều tập thơ được xuất bản nhưng chưa một ai để lại dấu ấn sâu sắc trên thi đàn bằng những tác phẩm có tầm tư tưởng cũng như tính nghệ thuật vượt bậc. Thi thoảng, một số tác giả cũng đạt giải này, giải nọ ở một số cuộc thi nhưng đó chưa phải là điều có thể lấp đầy khoảng trống của thi ca Hà Tĩnh.
Người yêu thơ Bích Như (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) nhận định: “Thơ Hà Tĩnh hiện nay vẫn thiếu hụt những thi phẩm đỉnh cao. Theo dõi lâu năm, tôi thấy, từ trong cuộc thi “Viết vẽ tuổi học trò”, có nhiều tiềm năng nhưng những tiềm năng này đã sớm rời bỏ con đường văn chương. Những người trở lại thì chủ yếu là các cây bút trong ngành giáo dục, xem viết lách chỉ là cuộc chơi. Gần đây, sự trở lại của tác giả Hạnh Loan khá sôi nổi. Hy vọng đó là sự trở lại dài hơi”.
Những năm gần đây, nhiếp ảnh là chuyên ngành phát triển nhất với rất nhiều thành tựu và khá dồi dào nguồn nhân lực trẻ. Ảnh Giang Nam
Thiếu hụt đội ngũ mạnh nhất có lẽ là chuyên ngành mỹ thuật và nghiên cứu, lý luận phê bình. Hầu hết họa sỹ của chuyên ngành mỹ thuật gần như không tìm được “đất sống” cho tác phẩm của mình. Những họa sỹ như Lê Anh Tuấn, Lê Anh Ngọc cũng chỉ sáng tác cầm chừng, mỗi năm may ra có vài ba bức vẽ cho thỏa nỗi nhớ nghề, còn tác phẩm chính cũng chỉ là những minh họa bìa sách, bìa tạp chí. Hầu hết hội viên mỹ thuật chỉ sáng tác khi có sự vận động của cơ quan chủ quản nhằm tham gia triển lãm nào đó. Trong khi đó, một bộ phận họa sỹ thay vì đầu tư nghề nghiệp của mình lại quay sang kiếm sống bằng nghề chép tranh hoặc chuyển hướng sang đầu tư sáng tác ảnh.
Ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, sau những cây đại thụ như nhà địa phương học Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh cũng chưa có ai có thể điểm tên. Lĩnh vực lý luận phê bình văn học cũng trở đi trở lại với Hà Quảng, Nguyễn Thị Nguyệt…
Hà Tĩnh đang phát triển khá sôi động với ngồn ngộn đề tài để các tác giả có thể mở rộng biên độ sáng tác, nhưng làm thế nào để đưa hiện thực ấy vào VHNT, làm thế nào để có được những tác phẩm có tầm vẫn là vấn đề khiến nhiều hội viên trăn trở. Nhiều hội viên cao tuổi cho rằng, khoảng trống trong sáng tác VHNT ở Hà Tĩnh hiện nay vừa nằm ở nguyên nhân thiếu lực lượng kế cận, mặt khác đội ngũ tác giả lại không được sống trong không khí VHNT thực sự để bầu nhiệt huyết, niềm đam mê được kích hoạt. Bên cạnh đó, thái độ quan tâm chiếu lệ của các cấp chính quyền, sự đầu tư chưa thỏa đáng của cơ quan chủ quản đã dẫn tới tình trạng nhiều tác giả cao tuổi thì muốn nghỉ ngơi, còn tác giả trẻ thì được chăng hay chớ.
Âm nhạc cũng là một trong những chuyên ngành phải đối mặt với sự thiếu hụt đội ngũ kế cận.
Trong quá khứ, VHNT Hà Tĩnh đã phát triển rực rỡ với những tên tuổi chói sáng như: Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận... với những áng văn thơ trác tuyệt; Nguyễn Phan Chánh với thể loại tranh lụa độc đáo. Việc kỳ vọng những tên tuổi như thế trong giai đoạn hiện nay là điều khá viễn vông. Tuy nhiên, công chúng vẫn có thể hy vọng có thêm những cây bút đầy trách nhiệm như nhà văn Đức Ban, Phan Trung Hiếu, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, tác giả văn xuôi Trần Quỳnh Nga, Trần Tú Ngọc, các nhạc sỹ Quốc Nam, Ngọc Thịnh, nhà lý luận phê bình Hà Quảng…
Làm sao để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho thế hệ trẻ? Làm sao để kích hoạt được niềm đam mê, trách nhiệm của các tác giả đối với tương lai VHNT Hà Tĩnh? Cần cơ chế nào để các tác giả của Hà Tĩnh có thể tiến xa hơn trên con đường VHNT? Đó là những câu hỏi được đặt ra nhiều năm nay, được bàn luận ở nhiều diễn đàn của Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.
Những khoảng trống trong sáng tác VHNT Hà Tĩnh sẽ được lấp đầy nếu từng câu hỏi ấy được quan tâm, giải quyết.