1. Toát nhiều mồ hôi nghĩa là đang hao nhiều sức
Mồ hôi đơn giản chỉ là cách hạ nhiệt của cơ thể khi bạn cảm thấy quá bức bối. Lượng mồ hôi tiết ra cũng phụ thuộc vào một số yếu tố khác như nhiệt độ ngoài trời, tình trạng sức khỏe, thuốc men, thể trọng hay thậm chí là cả cơ địa. Do đó, không phải cứ đầm đìa mồ hôi thì sẽ là tiêu hao nhiều năng lượng. Nếu bạn khỏe mạnh hoặc đã quen thuộc một số bài tập nhất định, bạn cũng sẽ không toát quá nhiều mồ hôi.
Toát mồ hôi nhiều không có nghĩa là bạn đang đốt quá nhiều năng lượng
2. Phải thấy đau thì mới là tập đúng phương pháp
Hãy dừng lại ngay nếu bạn cảm thấy đau đớn trong lúc tập luyện. Cảm giác đau là tín hiệu cảnh báo của cơ thể cho thấy chúng ta đang tự hại mình. Bạn cũng nên kiểm tra lại tư thế, kĩ thuật tập luyện hoặc trao đổi với những người có kinh nghiệm để điều chỉnh lại các bài tập nếu cần.
Khi cảm thấy quá đau đớn, hãy dừng ngay bài tập để kiểm tra vấn đề
Triệu chứng đau nhức cơ bắp khởi phát muộn (DOMS) có thể xuất hiện sau khi tập luyện. Đây là triệu chứng phổ biến thường thấy khi bắt đầu một bài tập mới, thay đổi lịch trình hoặc tăng cường độ/ thời lượng vận động. Vì vậy, bạn nên giãn cơ, tắm nước nóng và mát-xa sau mỗi buổi tập để thả lỏng cơ thể. Nếu triệu chứng trên vẫn không thuyên giảm và tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn.
3. Tập trên 45 phút mới đem lại hiệu quả
Tích tiểu thành đại là một nguyên tắc vàng trong tập thể dục. Thay vì vận động liên tục trong 45 phút thì bạn có thể chia bài tập thành 3 phần – mỗi phần kéo dài 15 phút để duy trì thể lực. Bên cạnh đó, bạn có thể tạo cho mình thói quen rèn luyện thân thể bằng việc dành ra 10 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy hoặc đạp xe quanh khu lân cận rồi dần dần tăng tốc độ cũng như thời lượng tập. Hãy biến tập luyện trở thành thói quen hằng ngày chứ không chỉ là việc ngẫu hứng!
Thay vì tập trong thời gian dài, có thể bắt đầu từ những mục tiêu tập thấp hơn
4. Buổi sáng là thời điểm thích hợp nhất
Vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra được rằng cơ thể con người sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn vào thời điểm nhất định trong ngày. Có người cho rằng tập thể dục vào mỗi sáng sớm sẽ khiến họ tỉnh táo và khỏe khoắn, nhưng cũng có người lại cho rằng tập luyện với cường độ cao vào buổi tối khiến họ dễ ngủ hơn. Đó là quan điểm riêng của mỗi người, nhưng quan trọng hơn là hãy biến nó thành một thói quen thật sự.
5. Tập luyện thì có thể ăn uống tùy thích
Tập thể dục có thể đốt cháy calo nhưng lại không thể loại bỏ những tác hại của thực phẩm chứa nhiều đường, muối hay các chất béo bão hòa lên cơ thể bạn. Một chế độ ăn hợp lí, lành mạnh với nhiều rau và ngũ cốc nguyên hạt (whole grains) sẽ giúp bạn có thể kiểm soát cân nặng nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng cần cho việc tập luyện.
Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn để đảm bảo quá trình tập luyện hiệu quả
6. Nếu muốn giảm mỡ, hãy tập thể dục nhiều
Chế độ ăn uống mới chủ yếu quyết định lượng mỡ giảm, do đó hãy hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều năng lượng. Ngoài ra, bạn cũng cần nghỉ ngơi hợp lí, điều độ để cơ thể có thể nhanh chóng phục hồi sau tập luyện.
Việc ngủ đủ giấc cũng sẽ giúp bạn giảm cân và cân bằng giờ giấc sinh học. Vì vậy, hãy xen kẽ giữa tập luyện cường độ cao với nghỉ ngơi bằng các bài tập yoga nhẹ nhàng trong một, hai ngày kế tiếp để cơ thể dẻo dai và linh hoạt.