Tàu thuyền neo đậu trên cảng Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh)
Với cửa lạch dài 400m, chợ Cồn Gò thuộc làng biển Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) là bến thuyền tập kết tôm, cá sau mỗi đêm ra khơi. Hàng năm, trung bình có khoảng 800 tàu thuyền trong khu vực và 500 tàu thuyền tỉnh khác cập bến Cồn Gò. Tại đây, ngư dân ngoại tỉnh đều nhận được những tình cảm gần gũi, thân ái của ngư dân bản địa. Không hề có sự cạnh tranh ngư trường đã đành, ngư dân ngoại tỉnh còn được chủ các cơ sở thu mua tạo nhiều điều kiện thuận lợi.
Biển Hà Tĩnh hiền hòa, người dân thân thiện nên nhiều chủ tàu từ các địa phương khác thường xuyên tìm đến để neo đậu và đánh bắt thủy hải sản. Ảnh Thanh Hải
Nhiều chủ cơ sở thu mua ở đây trở thành “ngân hàng chính sách” đối với ngư dân ngoại tỉnh. Khi cần, họ cũng cho ngư dân ngoại tỉnh vay tiền không tính lãi. Trong trường hợp tàu thuyền nào không may gặp nạn, các chủ thu mua còn khoanh nợ, hoặc kéo dài thời gian nợ cho đến khi ngư dân làm ăn ổn định. Đặc biệt, một số chủ thu mua còn cho chủ tàu mượn tiền để sửa chữa, mua ngư lưới cụ hoặc đóng mới tàu thuyền tìm kế sinh nhai.
Những chủ tàu cá từ các địa phương khác đến vui vẻ kể với phóng viên về những tình cảm quý mến của người dân Hà Tĩnh dành cho họ.
Chị Nguyễn Thị Thanh - chủ một cơ sở thu mua hải sản tại thôn Trung Hải (xã Cẩm Nhượng) cho biết: “Chúng tôi không hề có sự phân biệt đối với ngư dân ngoại tỉnh, thậm chí, còn đối xử ân cần, chu đáo hơn với họ. Khi họ gặp nạn cũng là lúc họ cần mình nhất và khi đó, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ dưới nhiều hình thức để họ có cơ hội gây dựng lại”.
Biển Hà Tĩnh hiền hòa, thân thiện nên nhiều chủ tàu từ các địa phương khác thường xuyên tìm đến để neo đậu và đánh bắt thủy hải sản. Tại cảng cá Cửa Sót thuộc làng biển Thạch Kim (Lộc Hà) cũng có các đoàn thuyền từ Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa… thường xuyên tìm đến.
Có đến hơn 16 năm lênh đênh neo đậu tại cảng cá Cửa Sót, ông Nguyễn Huy Sơn (trú tại TX Hoàng Mai, Nghệ An) đã cùng vợ con thu hoạch những mẻ cá đầy, giúp họ trang trải cuộc sống gia đình. Không phân biệt người này người nọ, gia đình ông Sơn được những người dân địa phương yêu mến, chia sẻ những rủi ro giữa mênh mông biển cả. Mỗi lần có cá tôm về, ông Sơn lại được mọi người ra gỡ lưới giúp, bù lại, họ cũng có khoản thu nhập nho nhỏ.
Khi neo đậu tại vùng biển Hà Tĩnh, các tàu thuyền được bố trí khu vực đỗ đậu, bốc xếp cá, lấy dầu...
Ông Sơn chia sẻ: “Ngư trường này không chỉ dồi dào cá, mực mà người dân miền biển Thạch Kim còn rất thân thiện, nhân ái nên chúng tôi neo thuyền ở đây cả năm trời. Có lần vào một đêm mưa lớn, vợ tôi bất ngờ bị đau dạ dày, có người dân gần đó giúp đỡ đưa đi bệnh viện kịp thời mới may mắn thoát chết. Sau đó còn thăm hỏi thường xuyên, lúc thì ghé qua mang cho bó rau, miếng thịt, lúc thì chỉ cho một phương thuốc và ra sức giúp đỡ đi tìm thuốc. Ấm áp tình người lắm”.
Là người gắn bó với làng biển này từ bao lâu nay, ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá Hà Tĩnh chia sẻ: “Cảng Cửa Sót rất thuận tiện cho phương tiện đánh bắt ra vào, vì vậy, hiếm có làng biển nào trên địa bàn Hà Tĩnh nhộn nhịp như nơi đây. Nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu thuyền bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh cập cảng với số lượng lớn như hiện nay thì việc vận hành cảng cá cũng phải chuyên nghiệp. Việc ngư dân bản địa và ngoại tỉnh sống hòa thuận với nhau giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong vận hành cảng cá”.
Giữa lo toan bộn bề, những người dân làng biển vẫn giữ vững tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau không chỉ trong những lúc vươn khơi mà cả trong cuộc sống thường ngày. Trong cái nắng sắp tắt cuối chiều, hình ảnh những thanh niên khỏe mạnh, những người đàn ông với nước da rám nắng cùng nhau đưa thuyền xuống bến trong tiếng nói cười rôm rả như thể hiện sức mạnh và tình đoàn kết của con người trước thiên nhiên.