Anh Trần Văn Loát (xã Hương Trạch, Hương Khê): Thương mại điện tử là kênh tiếp thị sản phẩm phù hợp xu thế phát triển
Là cử nhân ngành sư phạm, từng làm giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk, nhưng với tình yêu quê hương và nhận thấy tiềm năng của cây bưởi Phúc Trạch, anh Loát quyết định xin nghỉ việc để về quê làm trang trại. Sau gần 6 năm lao động, trên diện tích 3 ha, anh Loát đã trồng 300 gốc bưởi, hàng chục gốc cam và nuôi thêm hơn 20 đàn ong. Lúc này, điều khiến anh Loát băn khoăn nhất là đầu ra sản phẩm.
Là nông dân thời hiện đại, không để sản phẩm của mình phụ thuộc đầu ra vào các thương lái, anh nhận thấy thương mại điện tử là kênh tiếp thị sản phẩm phù hợp xu thế phát triển xã hội.
Thực hiện ý tưởng của mình, anh Loát tự thành lập trang web trangtraibuoiphuctrach.com để quảng bá thông tin, tiếp thị sản phẩm trên thị trường cả nước. Bên cạnh đó, anh liên tục rao bán sản phẩm nông sản của mình trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, instangram...
Với cách làm mới này, những sản phẩm của gia đình anh và cả những đặc sản của người dân Hương Khê đã tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn, hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai.
Anh Trần Quốc Hòa - chủ mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp (xã Thạch Tân, Thạch Hà): Đăng ký thương hiệu sản phẩm - tự ghi tên mình trên thị trường
Bắt tay xây dựng cơ nghiệp vào năm 2012, anh Hòa chọn gà là vật nuôi chính của trang trại. Thời điểm đó, ở Hà Tĩnh, số người chọn gà để làm mô hình chăn nuôi còn rất ít. Vì vậy, anh phải tự tìm tòi, học hỏi qua sách, tạp chí, đặc biệt được Trung tâm Ứng dụng vật nuôi Thụy Phương (Hà Nội) hỗ trợ tối đa về chuyển giao công nghệ, phòng chống dịch bệnh...
Giống gà Ai Cập mà anh Hòa chọn nuôi vốn có đặc tính nuôi thả, nhưng anh đã mạnh dạn “lên lồng” cho gà. Theo lý giải của anh, việc “lên lồng” đỡ chi phí nhân công, đảm bảo vệ sinh, hạn chế bệnh tật và sản lượng trứng cao hơn. Anh cũng tích cực ứng dụng hệ thống bán tự động với việc cho ăn, cho uống, hệ thống làm mát, chiếu sáng.
Đặc biệt, năm 2014, anh Hòa xác định, để sản phẩm của mình đứng vững trên thị trường, không thể không đăng ký thương hiệu sản phẩm. Sau 3 năm xây dựng, hoàn thiện thủ tục, đến năm 2017, sản phẩm của anh được Bộ KH&CN trao chứng nhận về sản phẩm thương hiệu gà sạch (trứng và gà thịt). Hiện nay, anh Hòa đang nuôi 8.000 con gà, mỗi ngày xuất đi 4.000 quả trứng gà thường, 1.000 quả trứng gà lộn. Anh còn mở rộng chăn nuôi trâu, lợn rừng...
Ông Phan Văn Phúc (xã Vượng Lộc, Can Lộc): Ứng dụng khoa học công nghệ, mở cánh cửa hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp
Gia đình vốn có nghề trồng rau, thế nhưng, trước đây, gia đình ông Phúc chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Hơn nữa, đất vườn rộng nhưng bị nhiều loại cây tạp “xâm chiếm” khiến nguồn thu hằng năm của gia đình ông từ vườn không đáng là bao.
Năm 2015, từ chủ trương xây dựng vườn mẫu của địa phương, ông Phúc quyết định “thay áo mới” cho khu vườn của mình. Vẫn là những cây rau màu như trước, nhưng nay được quy hoạch thẳng lối, thẳng hàng. Mùa nào thức nấy, các loại rau được trồng thâm canh đảm bảo khu vườn luôn 4 mùa tươi xanh rau trái. Đặc biệt, ông còn ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu sức người, tăng năng suất cho cây trồng như: Đầu tư hệ thống nhà giàn, tưới nhỏ giọt tự động; ủ phân bón hữu cơ vi sinh và điều chế thuốc trừ sâu sinh học để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch.
Những cách làm đó đã giúp gia đình ông Phúc xây dựng thành công vườn mẫu rộng 3.500 m2, vừa sản xuất rau giống, vừa trồng các loại rau, củ, quả thương phẩm theo mùa. Mỗi năm, thu nhập từ vườn rau mang về cho gia đình 350 - 400 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh): Nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn chuyển hướng sản xuất
Vốn xuất phát từ nhà nông, quanh năm gắn bó với cây lúa, thế nhưng, những năm gần đây, cây lúa cho thu nhập thấp lại thường xuyên mất mùa, gia đình bà Hạnh quyết định chuyển hướng đầu tư. Tìm hiểu xu hướng thị trường, gia đình bà quyết định chuyển sang trồng ổi kết hợp với chăn nuôi gia cầm.
Hơn 1 năm chuyển hướng, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình bà đã hơn dự tính. Cây ổi cho thu hoạch thường xuyên trong 4 tháng, ngoài ra, các loại rau màu, mít thái, táo dây và hàng trăm con gà, vịt, ngan cũng mang đến nguồn thu đáng kể. Tổng thu nhập của gia đình đạt gần 150 triệu đồng mỗi năm.
Bà Hạnh chia sẻ, vẫn là phương châm “bàn tay ta làm nên tất cả”, thế nhưng, nông dân thời nay không thể ngồi chờ mà phải mạnh dạn, chủ động để nắm bắt cơ hội, nhạy bén với nhu cầu của thị trường nhằm không cho đất nghỉ.