Niềm vui trên những cánh đồng lớn đầu tiên ở Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Nông dân Đức Liên đang có vụ lúa xuân bội thu khi là xã đầu tiên của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) triển khai tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn.

Đứng trên bờ ruộng chờ những bao lúa đầy từ máy gặt đập liên hoàn, ông Nguyễn Văn Nam (thôn Tân Lệ, xã Đức Liên) không giấu nổi niềm vui, bởi vụ lúa xuân năm nay vừa được mùa, vừa không tốn nhiều sức lao động khi thu hoạch.

IMG_8390 copy.jpg
Ruộng bằng phẳng, máy gặt đập liên hợp thuận lợi vào tận ruộng thu hoạch lúa cho bà con các thôn: Bình Quang, Tân Lệ, Liên Châu.

Ông Nam cho biết: “Gia đình sản xuất gần 1 ha lúa nhưng trước đây ruộng manh mún, nhỏ lẻ nên năng suất đạt thấp, khoảng 2,7 tạ/sào. Tuy nhiên, nhờ thực hiện chủ trương chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nên các thửa ruộng đã được san ủi bằng phẳng, hệ thống thuỷ lợi nội đồng được đầu tư đồng bộ, việc sản xuất của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, năng suất lúa vượt trội, cao nhất từ trước tới nay, đạt hơn 3,3 tạ/sào”.

Cũng theo ông Nam, trước đây do ruộng manh mún, chỗ cao, chỗ thấp nên không thể cho máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, phải phụ thuộc vào máy gặt tay nên năng suất làm việc bị hạn chế. Hiện nay, với máy gặt đập liên hợp, mỗi sào gặt và tuốt mất khoảng 10 phút thay vì mất cả buổi và cần đông nhân lực như trước.

IMG_8375 copy.jpg
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Bình Quang, bên trái) vui mừng chia sẻ với lãnh đạo huyện về những lợi ích từ việc thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất quy mô lớn.

Cùng chung niềm vui được mùa, chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Bình Quang) đang phấn khởi thu hoạch lúa xuân. Theo ước tính của chị Tuyết, 3 ha lúa năm nay đạt năng suất 3,4 tạ/sào, còn trước kia chỉ đạt 2,7 tạ/sào. Đặc biệt, lúa được giá nên niềm vui của bà con được nhân lên.

Chị Tuyết chia sẻ: “Đây là vụ lúa đầu tiên người dân thôn Bình Quang, Tân Lệ, Liên Châu thực hiện dồn điền, đổi thửa. Chủ trương chuyển đổi ruộng đất quy mô lớn của huyện, xã là đúng và bà con đang được hưởng lợi lớn. Như gia đình tôi, năm nay năng suất lúa đạt cao, chi phí đầu tự giảm khoảng 10% so với vụ trước”.

IMG_8396 copy.jpg
Người dân thôn Bình Quang phấn khởi vì lúa bội thu.

Những ngày này, không khí được mùa lúa đang rộn ràng khắp các thôn: Bình Quang, Tân Lệ, Liên Châu của xã Đức Liên. Trên những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” đang vào độ chín với các bộ giống năng suất, chất lượng như: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Nếp 98, ST 25... bà con ai nấy cũng đều nói về niềm vui thắng lợi, công tác thu hoạch và những lợi ích, thuận tiện sau khi chuyển đổi đồng ruộng theo hướng mỗi nhà chỉ sản xuất một thửa lớn.

Hiện, bà con đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích và dự kiến chỉ khoảng 2 - 3 ngày nữa sẽ hoàn thành (nhanh hơn trước đây khoảng một tuần vì ruộng bằng, liền thửa, máy móc dễ hoạt động). Đặc biệt, năng suất lúa năm nay lập kỉ lục, đạt 66 tạ/ha.

IMG_8363 copy.jpg
Những ruộng lúa trĩu bông ở thôn Tân Lệ.

Được biết, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, xã Đức Liên đã tích tụ được 70 ha đất phục vụ sản xuất lúa. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Vũ Quang triển khai phá bờ vùng, bờ thửa nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất, giảm số thửa trên một cánh đồng.

Dù vậy, trong quá trình triển khai, địa phương cũng gặp không ít khó khăn, do đặc thù các cánh đồng sản xuất lúa trên địa bàn xã khá phức tạp, các chân ruộng thường phân tán. Ngoài ra, bà con vẫn còn tâm lý sợ chia lại ruộng không đảm bảo tính công bằng, sợ nhận ruộng xấu.

z5452908066548_57cafc355aa8ae1e0e2acc159c689994 copy.jpg
Lãnh đạo huyện Vũ Quang kiểm tra tiến độ thu hoạch tại cánh đồng chuyển đổi ruộng đất thôn Bình Quang.

Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết: “Tháng 8/2023, chúng tôi tổ chức chuyển đổi ruộng đất quy mô lớn trên 3 thôn. Với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Đức Liên thì đó là một đột phá khi chuyển đổi thành công 70 ha đất sản xuất lúa.

Từ vụ này trở đi, mỗi gia đình chỉ sản xuất lúa trên một thửa lớn. Và ngay từ vụ đầu tiên, bà con nông dân đã có sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững, có thu nhập ổn định. Cùng với chuyển đổi ruộng đất, huyện cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường nội đồng, kênh mương, cầu cống... đáp ứng yêu cầu sản xuất của cánh đồng lớn. Đó là cơ sở quan trọng để đạt kết quả sản xuất tốt như vụ mùa này”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...