Quản lý bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế
Tăng huyết áp (THA) là “kẻ giết người thầm lặng”. Tỷ lệ người bị THA ngày càng cao trong khi tỷ lệ bệnh nhân được theo dõi, quản lý và điều trị rất hạn chế. Trước thực trạng đó, ngành Y tế Hà Tĩnh đã thí điểm mô hình quản lý bệnh THA tại 4 trạm y tế xã, phường: Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), Hương Vĩnh (Hương Khê), Trung Lễ (Đức Thọ) và Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh). Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã đáp ứng được nhiều mong muốn về hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bác sỹ tại Trạm Y tế xã Hương Vĩnh (Hương Khê) tư vấn cho bệnh nhân THA
Bác sỹ Phan Trường Sơn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Vĩnh (Hương Khê) cho biết: “Triển khai mô hình quản lý bệnh nhân THA tại trạm có rất nhiều lợi ích. Người dân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, phòng ngừa được các biến chứng do THA; được khám, tư vấn, chăm sóc điều trị gần nhà, tiết kiệm được thời gian, kinh phí; được cán bộ y tế quan tâm, nhắc nhở lịch khám và có thể đến khám tại nhà nếu bệnh nhân bị ốm. Bệnh nhân THA được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế ngay tại trạm.
Để triển khai mô hình, ban đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân. Cán bộ trạm đã phải về tận từng thôn xóm vận động và tổ chức khám sàng lọc đến 3 lần mới lập được hồ sơ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi quản lý bệnh không lây nhiễm tại địa phương, hầu hết người dân đều nhận thấy được lợi ích nên họ hưởng ứng rất tích cực. Hiện, Trạm Y tế Hương Vĩnh quản lý đến hàng trăm bệnh nhân THA”.
Mô hình quản lý bệnh THA tại trạm y tế là mô hình ứng dụng thực tiễn từ đề tài khoa học “Nghiên cứu, xây dựng mô hình điều trị và quản lý bệnh THA tại Hà Tĩnh” do bác sỹ Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cùng các cộng sự thực hiện trong thời gian 2 năm từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2018.
Sở Y tế Hà Tĩnh phát động "Tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp" để đưa vào dữ liệu hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Kết quả nghiên cứu đề tài cho thấy, tỷ lệ mắc THA chung 20,1%, trong đó, nam giới 56% - nữ 44%; nhóm tuổi từ 61-75 tuổi (35,8%); từ 46-60 tuổi (31,8%), từ 18-30 tuổi (1,4%). Bệnh nhân bị THA tại cộng đồng chủ yếu khám và điều trị tại trạm y tế xã với 77%. Sau khi thí điểm tại 4 trạm y tế, thấy rõ hiệu quả mang lại, ngành đã tổ chức đánh giá tính hiệu quả và thống nhất nhân rộng trên toàn tỉnh.
Để chuẩn bị cho lộ trình này, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho 300 bác sỹ thuộc trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế xã trong toàn tỉnh. Ngành cũng đã nỗ lực thực hiện thành lập hồ sơ sức khỏe cho người dân gắn với mục tiêu 70% người dân trên 40 tuổi được đo huyết áp.
Trước mắt, ngành sẽ lựa chọn các trạm y tế ở vùng 3 (vùng địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn), có bác sỹ đã được đào tạo, tập huấn về nội dung này để nhân rộng mô hình.
Khống chế bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng
Cùng với bệnh THA, ngành y tế cũng đang phải đối mặt với các bệnh KLN khác như tiểu đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư…
Trước tình hình dịch tễ bệnh không lây nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh trong cộng đồng chưa phát hiện được còn khá cao, Sở Y tế đã có kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu chung: Khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế số người tàn tật và tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó, ưu tiên phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các bệnh mạn tính như: gan, thận, bệnh khớp.
Trung tâm CDC tỉnh khám, tư vấn, giúp người dân xã Thạch Bằng (Lộc Hà) phát hiện bệnh sớm và đưa vào hồ sơ quản lý các bệnh KLN tại cộng đồng
Được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm. Riêng năm 2018, trung tâm đã phối hợp với Trung tâm YTDP thành phố Hà Tĩnh tổ chức tư vấn, khám đo huyết áp cho 56.684 người, trong đó số người được phát hiện THA là 12.276 người (chiếm 21,6 %); tổ chức 13 lớp tập huấn cho 570 các cán bộ là lãnh đạo, chuyên trách bệnh KLN các địa phương và trạm trưởng, chuyên trách bệnh không lây nhiễm của 262 xã/phường/thị trấn trên toàn tỉnh; triển khai hoạt động khám sàng lọc phát hiện sớm THA cho 100% người dân trên 40 tuổi đang sinh sống trên địa bàn.
Kết quả, tính đến 12/11/2018, tổng số người được đo huyết áp là 437.642/497.227 người, đạt 88,01%, trong đó số người được phát hiện tăng huyết áp là 58.088 người (chiếm 13,4 %), số người tiền huyết áp là 42.612 người (chiếm 9,7%).
Giám đốc Trung tâm CDC tỉnh Nguyễn Lương Tâm cho biết: Với quan điểm phòng bệnh là chính, Trung tâm CDC Hà Tĩnh sẽ là rường cột trong việc tổ chức các hoạt động phòng chống các bệnh KLN. Thêm một thuận lợi lớn cho trung tâm đó là trung tâm vừa được sáp nhập từ 6 trung tâm cùng lĩnh vực YTDP thành một, tạo thêm nguồn lực lớn để triển khai nhiệm vụ hiệu quả. Phòng chống bệnh KLN là nhiệm vụ cấp bách nhưng đòi hỏi phải có lộ trình thực hiện. Trước mắt, Trung tâm CDC Hà Tĩnh tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, tổ chức các hoạt động khám, tư vấn dự phòng, giúp người dân phát hiện bệnh sớm và từng bước đưa vào quản lý.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, trung tâm tiếp tục tổ chức khám sàng lọc đái tháo đường cho khoảng 1.400 đối tượng có yếu tố nguy cơ cao của 6 xã/phường; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho hơn 800 đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ của 7 xã/phường.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm CDC Nguyễn Lương Tâm, bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, các ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương cần tích cực vào cuộc trong xây dựng môi trường sống lành mạnh như hạn chế rượu bia, thuốc lá, khuyến khích chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực lành mạnh nhằm ngăn chặn từ đầu nguy cơ mắc các bệnh KLN.