Chỉ từ vài trăm m2 đất, nông dân thị trấn Đức Thọ vẫn thu hàng trăm nghìn mỗi ngày
Người ta vẫn thường gọi nông dân ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là “nông dân cày đường nhựa” bởi họ thiếu ruộng, mỗi gia đình, hội viên thường chỉ có vài trăm mét vuông đất sản xuất.
Với người nông dân thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ), dù không phải vất vả dãi nắng dầm mưa, vẫn có thu nhập cao nhờ trồng rau. Từ vài trăm mét vuông đất vườn, nhiều người đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, đầu tư xây dựng nhà màng, sản xuất rau sạch, hiệu quả kinh tế tính ra gấp hàng chục lần cây ngô, cây lúa.
Chị Trần Thị Kim Oanh xuống giống rau mầm.
Có tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới có thể tin, chỉ từ 100 m2 đất, mỗi ngày người nông dân ở đây vẫn có thu nhập đều đặn trên 150 nghìn đồng.
Mảnh vườn nhỏ của gia đình chị Trần Thị Kim Oanh (tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ) sau khi làm nhà cửa còn dôi ra một phần diện tích để trồng rau. Nhẩm đếm, có tất cả 18 luống nhỏ, mỗi luống chỉ chứng 4 – 5 m2.
Chị Oanh chia sẻ, năm 2018, gia đình bỏ ra hơn 17 triệu đồng mua thép, lưới về xây dựng nhà màng kiên cố để sản xuất sau mầm. Từ đó đến nay, không ngày nào không có thu hoạch, nhờ đó, thu nhập gia đình ổn định hơn.
Hạt cây củ cải được ủ cho đến khi nảy mầm mới gieo xuống đất.
Thấy chúng tôi còn vẻ nghi ngờ về hiệu quả kinh tế, chị Oanh giải thích, cây rau mầm từ khi xuống giống đến khi thu hoạch chỉ mất từ 7 – 8 ngày. Chia ra, mỗi ngày 2 luống rau, sản xuất theo hình thức cuốn chiếu, nghĩa là ngày nào chị cũng xuống giống 2 luống bên này và thu hoạch 2 luống bên kia và ngược lại.
Mỗi lứa chị còn cho đất nghỉ ngơi 2 ngày, đây thực ra còn là bí quyết trong sản xuất rau mầm bởi đất cần độ tơi và cung cấp đủ độ ẩm, bởi từ khi xuống giống không thể bón thêm bất cứ thứ gì, kể cả nước sạch. Đó cũng là nguyên lý đảm bảo sản phẩm rau mầm sạch, không bón phân hóa học hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Mỗi luống rau đạt năng suất khoảng 7 kg, với giá bán hiện tại là 12 nghìn đồng/1kg, tính ra, mỗi ngày cho thu nhập gần 170 nghìn đồng.
Chị Tần Thị Nhân thu hoạch rau mầm hàng ngày.
Chị Tần Thị Nhân (tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ) thì khẳng định chắc nịch, trong năm chỉ ngày mồng 1 Tết Nguyên đán là chúng tôi nghỉ bán, còn ngày mồng 2 là mở hàng và ngày nào cũng bán rau cho đến 30 tháng Chạp. Kể cả ngày ốm đau hoặc có việc cũng phải nhờ người thu hoạch và bán hộ. Làm rau mầm nếu biết cách thì rất dễ, nhưng đòi hỏi phải đầu tư nhà màng, cây rau mầm phải tránh được cả nắng lẫn mưa.
Chị Tần Thị Nhân: Sản phẩm rau mầm rất sạch, do chúng tôi không bón phân hóa học hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Bởi vậy, chúng tôi được làm việc trong nhà, không hề dãi nắng dầm mưa mà vẫn thu lợi nhuận khá. Như nhà tôi tháng trước thu hơn 5 triệu đồng, có khi rau lên giá thì thu nhập còn cao hơn. Trong khi đó, thực ra đây chỉ là công việc phụ của người nông dân bởi mỗi ngày chúng tôi chỉ bỏ ra khoảng 1 giờ đồng hồ để vừa sản xuất, vừa thu hoạch” - chị Nhân cho biết thêm.
Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch cây rau mầm chỉ mất từ 7 - 8 ngày.
Ngay cả với những nông dân cao tuổi như gia đình bà Phan Thị Nhuần (cả 2 ông bà đều đã trên 70 tuổi) vẫn có thu nhập đều đặn hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Bà Nhuần phấn khởi, nhờ mấy trăm m2 đất mà mình vẫn đủ sống, không phải phụ thuộc, nhờ vả con cái nhiều. Hàng ngày, ông thì bới đất, còn tôi xuống giống, thu hoạch, công việc nhẹ nhàng như tập thể dục vậy.
Được biết, gia đình bà Nhuần là một trong những hộ gia đình đầu tiên đầu tư xây dựng nhà màng trồng rau ở tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ.
Vườn bà Nhuần không trồng rau mầm mà trồng đủ loại như cải, cần tây, xà lách, dưa chuột, mướp đắng…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đức Thọ Trần Thị Thảo hồ hởi cho biết, quan trọng không phải là sản xuất nhiều, mà nông dân hiện đại là phải tính đến hiệu quả kinh tế. Nông dân thị trấn Đức Thọ rất giỏi và nhạy bén. Bây giờ, họ có thể làm rau quanh năm, kể cả khi nắng hạn trên 40 độ C hay lúc giá rét dưới 10 độ C.
Để tiêu thụ sản phẩm, họ cũng tìm mối liên hệ với các nhà hàng, khách sạn hay bếp ăn tập thể để cung ứng với số lượng lớn, bởi vậy, hầu hết không phải lo lắng nhiều về đầu ra.
Phần gốc của cây rau mầm sẽ được ủ lại và trở thành phân bón hữu cơ để người nông dân tái sử dụng cho các vụ sau
“Những vấn đề mà người nông dân còn thiếu như vốn, kỹ thuật đều được Hội Nông dân thị trấn quan tâm bằng cách huy động từ nhiều nguồn khác nhau và phối hợp với cấp trên để bổ cứu. Hiện tại, hội đang xây dựng đề án tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất rau an toàn để lan tỏa phong trào trong thời gian tới, góp phần tăng thêm thu nhập cho hội viên nông dân” - bà Trần Thị Thảo nói thêm.