Ông Phạm Văn Đệ cố gắng tiêu thoát nước để bảo vệ 5 sào rau thơm đang mùa thu hoạch.
Tranh thủ khi ngớt mưa, ông Phạm Văn Đệ (thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) vội vã ra đồng kiểm tra 5 sào rau thơm đang trong kỳ thu hoạch.
Ông Đệ cho hay: “Mưa lớn những ngày qua khiến ruộng rau bị ứ nước nên tôi phải tranh thủ ra tháo nước, vun đất lên cao. Rau thơm, nhất là rau quế nếu bị ngâm nước sẽ dễ bị nhiễm nấm bệnh, thối rễ và dễ chết khi trời nắng lên. Bởi vậy, sau khi tháo nước, ruộng khô, tôi phải dùng thuốc bảo vệ thực vật được ngành chuyên môn khuyến cáo để diệt trừ sâu bệnh, tăng sức đề kháng cho rau”.
Rau quế là loại rau dễ bị nấm bệnh, vàng lá, thối rễ khi gặp mưa lớn.
Cũng theo ông Đệ, thời điểm này bắt đầu bước vào mùa mưa, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng nên những vụ xuống giống tới, gia đình ông sẽ làm luống cao hơn và phủ thêm rơm khô để bảo vệ.
Cách luống rau của ông Đệ không xa, chị Lê Thị Thủy (thông La Xá, xã Tân Lâm Hương) cũng đang nạo vét rãnh luống để khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước nhanh nhất cho 3 sào rau thơm và xử lý các cây rau bị hư hỏng.
Chị Thủy cho biết: “Trước mắt, chúng tôi phải thoát nước để “cứu” được diện tích rau nhiều nhất có thể. Đối với những cây rau còn sống sau đợt mưa sẽ phải chăm sóc, bón phân kỹ hơn để phòng ngừa sâu bệnh. Sau mưa lớn, không chỉ năng suất cây trồng giảm mà việc thu hái cũng khó khăn hơn do phải nhặt bỏ, tách rời các lá rau bị vàng úa".
Chị Lê Thị Thủy nhặt bỏ các lá bị hư hỏng, vàng úa do mưa khi thu hái rau.
Trên cánh đồng rau thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn (Thạch Hà), bà con nông dân cũng đang nhanh tay tiêu thoát nước để đảm bảo cho cây sinh trưởng.
Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Bắc Bình) cho hay: “Nhà tôi có 2 luống rau cải đang thu hoạch và 2 luống dưa chuột vừa mới mọc cây con bị ngập nước, hư hỏng hoàn toàn. Còn diện tích trồng cà và bầu, tôi đang cố gắng tháo nước để hi vọng không bị ngập úng rễ, chết cây. Tôi dự định đợt mưa lớn này kết thúc sẽ bón phân, làm tơi đất để tăng sức sinh trưởng cho cây".
Bà Nguyễn Thị Vân khơi thông dòng nước cho khu vực ruộng của mình.
Tại các vùng trồng rau khác trên địa bàn tỉnh, người dân cũng đang kịp thời thực hiện các biện pháp để chăm sóc rau sau mưa.
Triển khai vụ đông năm nay, HTX Hoàng Chu (xã Yên Hoà, Cẩm Xuyên) sản xuất 1 ha củ cải. Ông Trần Viết Chu – Giám đốc HTX thông tin: “Mưa lớn những ngày qua đã khiến 7 sào củ cải mới nảy mầm bị dập nát, hư hỏng. Phần diện tích còn lại gần đến kỳ thu hoạch nên HTX đã phải thuê thêm lao động để tháo nước ra khỏi ruộng, vùn đất đắp cao luống và bón phân nhằm tăng cường sức đề kháng cho cây”.
Những cây rau mới trồng dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn do phần rễ chưa phát triển.
Theo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện đã xuống giống 160 ha rau các loại, phân bổ chủ yếu tại Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh... Mưa lớn những ngày qua đã tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây rau. Người dân cần thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc cây trồng sau mưa lũ theo chỉ đạo của ngành chuyên môn.
Theo đó, người dân cần chủ động mở rộng rãnh thoát nước, xới xáo phá bỏ lớp váng khi bị ngập úng để đất thoáng, cung cấp oxy cho rễ cây; lên luống đất cao, vùn đất, bón phân (ưu tiên phân hữu cơ) nhằm tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng cho cây. Trường hợp cây gặp sâu bệnh sau mưa cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định...
Ông Phan Văn Huân – Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: Sản xuất rau củ phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tính rủi ro cao, đặc biệt vụ đông thường chịu ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ, rét đậm, rét hại cuối vụ. Bởi vậy, các địa phương cần bám sát thực tiễn sản xuất, chủ động kế hoạch sản xuất trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
Ngoài ra, cần bố trí thời vụ hợp lý, đa dạng hóa phương thức canh tác đối với các loại rau củ như: trồng gối, trồng thuần, trồng xen... để né tránh thiên tai và thuận lợi trong tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai xảy ra, nông dân cần đầu tư sản xuất rau củ trong nhà lưới, nhà màng...