Tháng 8/2023, sau khi được cấp phép nuôi chồn hương, anh Trần Thanh Tiệp ở tổ dân phố 8 (phường Đại Nài) đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và mua 67 con chồn giống về nuôi thử nghiệm. Quá trình nuôi, anh Tiệp nhận thấy, chồn hương sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Hà Tĩnh.
“Nuôi chồn hương quan trọng nhất là khâu phòng dịch bệnh, do đó quy trình nuôi luôn được gia đình thực hiện theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đặc biệt, quá trình chồn đang sinh sản, tuyệt đối không cho người lạ vào chuồng. Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín, cá sông, tôm, cua đồng. Mỗi ngày cho ăn 1 lần vào các buổi chiều, do tập tính hoang dã, ban ngày chồn thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn” - anh Tiệp cho biết.
Cũng theo anh Tiệp, sau gần 1 năm vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay anh đã nhân đàn lên gần 110 con. Đặc biệt, gia đình anh vừa xuất bán 40 cặp chồn hương giống 2 tháng tuổi, thu về 400 triệu đồng. Hiện, nhu cầu thị trường về chồn hương giống trên cả nước rất lớn, luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. Từ nay đến cuối năm, nếu đàn chồn phát triển tốt, sinh sản đúng chu kỳ, gia đình anh dự kiến sẽ xuất bán được khoảng 40 cặp chồn giống nữa.
Từng thử nghiệm nhiều mô hình với các giống cây trồng khác nhau, song hiệu quả mang lại chưa cao nên vào cuối năm 2020, bà Trần Thị Tuyết (tổ dân phố 3, phường Đại Nài) đã quyết định tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích hơn 300 m2. Qua 4 năm gắn bó, mô hình đã giúp gia đình bà ổn định cuộc sống. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, bà còn trồng thêm hơn 50 gốc ổi Đài Loan và các loại rau, củ quả theo mùa khác.
Bà Tuyết phấn khởi cho biết: “Mỗi năm, gia đình tôi xuống giống 2 vụ dưa lưới. Nhờ tuân thủ sản xuất theo quy trình hữu cơ nên dưa đạt năng suất và chất lượng cao, khoảng 2 - 2,5 tấn, đem về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã giúp kinh tế gia đình được cải thiện theo hướng bền vững. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô để vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần giúp địa phương nâng chất các tiêu chí đô thị văn minh”.
Còn với ông Lê Đăng Từ (tổ dân phố 7, phường Đại Nài), để nâng cao thu nhập, gia đình ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Trên diện tích đất khoảng 1.500 m2, ông đã thuê máy móc đào ao rộng hơn 500m2 để nuôi ếch và thả cá diếc. Đồng thời, nuôi thêm lợn nít và trồng rau màu nhằm đa dạng nguồn thu.
Chia sẻ về việc phát triển kinh tế đa cây, đa con, ông Từ cho biết: “Là vùng đất ven đô, có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nên vào năm 2010, tôi đã bàn với vợ xây dựng mô hình sản xuất tổng hợp. Đất không phụ công người, sau nhiều năm gắn bó, đến nay mô hình đã đem về cho gia đình nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm. Dù số tiền không quá lớn nhưng đã giúp gia đình tự chủ về kinh tế, có điều kiện đóng góp tiền của, chung sức cùng chính quyền xây dựng đô thị văn minh”.
Theo lãnh đạo phường Đại Nài, trên địa bàn phường hiện có khoảng 20 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Các mô hình không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, mà còn giúp đời sống người dân được nâng lên, đóng góp vào sự đổi thay bộ mặt kinh tế của địa phương, nhất là trong xây dựng đô thị văn minh.
Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài Trần Trọng Dũng cho biết: “Những năm qua, địa phương luôn chú trọng phát triển sản xuất, không ngừng đưa các giống cây, con năng suất cao vào thí điểm để nâng cao thu nhập cho bà con. Thành công của các mô hình nói trên không chỉ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế mà còn là nơi để nông dân địa phương đến học hỏi. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình hiệu quả; đồng thời, quan tâm tham mưu, đề xuất các cấp có chính sách hỗ trợ mô hình phát triển”.