Tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58
Theo đề xuất, Tổng LĐLĐ VN đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần điều chỉnh tăng từ năm 2021. Tuy nhiên mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.
Do đó cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Tổng LĐLĐ VN đề xuất Chính phủ cần quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.
Theo Tổng LĐLĐ VN, công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát: Công chức (tăng tất cả), Viên chức (tăng một bộ phận lớn), Công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58).
Làm rõ khái niệm mức sống tối thiểu
Tổng LĐLĐ VN đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.
Đồng thời, đề xuất đề nghị bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiếu vùng là “khả năng chi trả của doanh nghiệp”.
Lý giải điều này, Tổng LĐLĐ VN cho rằng đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng lương quốc gia khi xác định. Mặt khác, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khía cạnh nhất định cũng đã thể hiện được “sức sống”, sự phát triển và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Người lao động được nghỉ chiều thứ 7
Liên quan tới nội dung giờ làm việc trong dự thảo Luật Lao động, Tổng LĐLĐ VN đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ“48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” và giữ nguyên phương án 2 Điều 105 để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.
Nếu được thông qua đề xuất giảm 4 giờ làm việc trong tuần, người lao động sẽ được nghỉ vào chiều thứ 7 hàng tuần.
Về ngày nghỉ lễ, quan điểm của Tổng LĐLĐ VN cho rằng cần tăng thêm số ngày nghỉ lễ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Lý giải thêm về điều này, đề xuất cho rằng, với số ngày nghỉ lễ, tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết.
Đề xuất 2 phương án nghỉ 3 ngày trong năm
Tổng LĐLĐ VN đưa ra 2 phương án cho đề xuất nghỉ thêm 3 ngày trong năm:
Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2-5/9 hàng năm (tăng thêm 03 ngày so với quy định hiện hành). Phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học.
Phương án 2: Nghỉ 01 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 02 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.