Đã nhiều ngày nay, tại xã Thạch Văn (Thạch Hà), không khí nặng nề bao trùm khắp các thôn/xóm. Những chiếc xe chở lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) liên tục trở đi, trở lại các vị trí chôn lấp bởi số gia súc chết không ngừng tăng. Ở đây, có những ngày cao điểm phải tiêu hủy từ 5 - 6 tấn lợn. Bao vốn liếng, công sức chăm bẵm của bà con đã bị chôn vùi dưới bãi cát mênh mông.
Đàn lợn gần 50 con có trọng lượng từ 30 – 45kg của chị Lê Thị Hà (thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà) nay chỉ còn đúng một con trong chuồng.
Gia đình chị Dương Thị Lý (thôn Nam Văn) nuôi 33 con lợn, trong đó có 20 con đang thì vỗ béo để chờ xuất chuồng trong tháng 4 này. Thế nhưng, tai họa ập xuống khi đàn lợn bị “dính” DTLCP chết và buộc phải tiêu hủy. 4 gian chuồng giờ chỉ còn trơ lại một màu vôi trắng xóa, ngổn ngang…
“Đợt dịch năm 2019, gia đình không bị ảnh hưởng nhưng không ngờ nay lại lâm vào cảnh lao đao. Lúc đầu chỉ một con có triệu chứng bỏ ăn, sốt cao, sau đó đàn lợn ngã lăn ra chết. Tính ra, đợt dịch này, gia đình tôi “mất trắng” cả trăm triệu đồng” - chị Lý xót xa.
Chính quyền địa phương vất vả tiêu huỷ gia súc bị nhiễm DTLCP trong khi người chăn nuôi xót xa nhìn chuồng trống. |
Chính quyền huyện Đức Thọ tiêu huỷ lợn bị nhiễm DTCLP |
Người chăn nuôi lợn ngơ ngác nhìn chuồng trại trống không |
Anh Bùi Văn Hùng - Cán bộ khuyến nông kiêm chăn nuôi, thú y xã Thạch Văn chia sẻ: “Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, toàn xã đã có 630 con lợn bị nhiễm bệnh của 125 hộ chăn nuôi với gần 45 tấn lợn buộc phải tiêu hủy. DTLCP đợt này lây lan nhanh, chúng tôi phải làm cật lực cả ngày lẫn đêm mới kịp chôn, tránh ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân ngã quỵ, khóc lóc vì “của đau, con xót”.
DTLCP cũng làm cho gia đình anh Nguyễn Hồng Lĩnh ở thôn Tân Thắng, xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn) điêu đứng. Lau vội mồ hôi trên khuôn mặt hốc hác, anh Lĩnh buồn bã: “Ngày 28/3, tôi phát hiện 3 con lợn trong chuồng có triệu chứng bỏ ăn, sốt cao; qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với DTCLP. Dịch sau đó lây nhiễm sang 5 con lợn còn lại buộc phải tiêu hủy, thiệt hại hơn 30 triệu đồng”.
Tính đến thời điểm này, DTLCP đã tấn công gần 1.600 hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh, Hương Sơn, Can Lộc, Nghi Xuân, Vũ Quang và TP Hà Tĩnh. Lũy kế đến ngày (5/4/2021), toàn tỉnh có gần 5.000 con bị DTLCP ốm chết, buộc tiêu hủy. Bình quân mỗi ngày toàn tỉnh tiêu hủy từ 100 - 150 con lợn bị bệnh. Người chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ lại một lần nữa lâm cảnh lao đao với bộn bề nỗi lo.
Xã Mỹ Lộc (Can Lộc) căng mình huy động lực lượng đi tiêu huỷ lợn chết.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Đợt dịch mới này rất nguy hiểm, vi-rút có độc lực cao, lây lan rộng làm lợn chết nhanh trong thời gian ngắn. Trong khi đó, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Thời tiết nóng ẩm làm mầm bệnh phát triển nhanh chóng. Mặt khác, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, chưa chấp hành đầy đủ công tác phòng dịch… cũng ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống DTLCP".
Từ tháng 12/2020, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Tĩnh và sau đó bùng phát nhanh trên khắp 13/13 huyện, thị, thành phố. Tại nhiều địa phương, bà con chăn nuôi với ánh mắt thất thần, khuôn mặt đau khổ nhìn đàn trâu, bò bị lở loét, nằm bẹp không đi lại được...
Chị Đinh Thị Hạnh thôn Hạ Thủy (xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) chỉ có 2 con bò nái, thế nhưng, cả hai đều “dính” bệnh VDNC. Chị gần như không còn đứng vững khi nghĩ đến bao nhiêu vốn liếng, tài sản bị dịch “cướp” trắng.
“Khi mới sinh bê con được 1 tuần, bò mẹ có hiện tượng bỏ ăn, sốt cao và da nổi những nốt sần. Tiếp đó, dịch lây sang con bò khác đang mang thai hơn 9 tháng và chết ngay sau vài ngày phát bệnh. Hiện tại, dù tôi đã xoay xở đủ cách, con bò mẹ vẫn diễn biến rất nặng, thở khò khè, yếu ớt, tôi sợ rằng nó không qua khỏi. Gần 20 năm nuôi bò, chưa bao giờ tôi gặp dịch bệnh lạ như thế này” - chị Hạnh bùi ngùi kể.
Theo ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ, bệnh VDNC bắt đầu phát hiện tại 2 xã Tùng Châu và Bùi La Nhân từ ngày 22/3 và đến nay đã có 16/16 xã, thị trấn với 1.008/26.000 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, trong đó, 27 con bị chết.
Còn ở Cẩm Xuyên, dịch bệnh đã khiến 282/1.840 con trâu bò bị nhiễm bệnh chết, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng gần 27 tấn. Không chỉ người dân mà cả chính quyền cũng bàng hoàng trước sự tàn khốc của đợt dịch bệnh này.
Đoàn kiểm tra của ngành chăn nuôi do Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng dẫn đầu và Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt đi kiểm tra tình hình dịch viêm da nổi cục tại huyện Cẩm Xuyên.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Dịch bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và hiện chưa có thuốc đặc trị khiến cho công tác phòng, chống dịch càng khó khăn hơn. Huyện vẫn đăng căng mình ứng phó với phương châm “phát hiện nhanh, xử lý gọn, khoanh vùng bao vây dập dịch”. Tuy nhiên, thiệt hại đối với người chăn nuôi là không thể đong đếm được. Tới đây, chuồng trại đành phải ngưng trệ trong một thời gian dài sẽ gây thiệt hại nặng nề cho bà con và cả nền chăn nuôi của địa phương".
thiết kế: Huy Tùng
(còn nữa)