Khát vọng vươn khơi (bài 1):
“Làm con, ăn nhỏ”…
Không ai phủ nhận Hà Tĩnh có tiềm năng lớn về kinh tế biển. Mỗi đứa trẻ lớn lên ở làng biển biết nghề biển còn trước cả biết con chữ.
Biết đi biển từ thuở 12-13 tuổi, đến nay, ông Nguyễn Văn Quyết (thôn Nam Hải, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) đã có hơn 40 năm kinh nghiệm đánh bắt trên biển. Ngày bé theo cha học nghề, lớn lên theo bạn, đã có thời gian ông cũng dám vượt khỏi chiếc thuyền nan của cha để chinh phục trùng khơi sóng cả. Ông bảo, thời điểm đó, “con chiến mã” của mình cũng vươn ra tận mấy trăm hải lý, đánh cá, câu mực cùng với cả ngư dân nước bạn. Không biết bao lần thuyền đưa về những chuyến cá nặng khoang.
"Làm con ăn nhỏ" vẫn là tư tưởng của đại đa số ngư dân Hà Tĩnh.
Ông Quyết chia sẻ: “Phương tiện đánh bắt của mình chẳng thể nào bì kịp với tàu nhiều tỉnh bạn, từ ngư cụ, phương tiện liên lạc đến nghề đánh bắt... Trong khi đó, ngư trường ngày càng khó khăn, tuổi cũng chẳng cho phép đi xa nữa nên lại quay về với nghề câu lộng truyền thống”.
“Cái khó bó cái khôn”, ai cũng hiểu nếu không có nguồn lực thì cũng đành “bất tòng tâm” với ước mơ tàu lớn. Huống gì, bao đời từ đời ông rồi đời cha cũng chỉ chòng chành trên chiếc thuyền nan dù không lấy gì làm đủ đầy nhưng cũng qua bữa. Ở cả cái làng chài này chẳng riêng gì gia đình ông, cứ quẩn quanh trong vùng lộng, ăn bữa hôm lo bữa mai mãi cũng thành quen.
Ông Quyết tiếp lời: “Thường chúng tôi ra biển từ 3-4h chiều hôm nay thì sáng sớm mai vào Gò, bán tươi số hải sản đánh bắt được. Hôm được thì thu về 4-5 tạ cá, bán lấy tiền coi như làm vốn, còn không thì chia nhau làm thức ăn cho gia đình. Mấy hôm nay biển động nên chẳng dám ra khơi”.
Bữa được, bữa mất, bữa đi, bữa bỏ, những ngư dân vùng biển sống nương nhờ vào biển, phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ tự nhiên như một tất yếu mà bao đời nay đa phần không muốn tự mình bứt ra. Ông Nguyễn Văn Tâm (thôn Đại Đồng, Cương Gián, Nghi Xuân) cho hay: “Mỗi ngày chỉ đi vài tiếng thôi, từ sáng sớm đến gần trưa kiếm 5-7 yến cá bán ra chợ. Buổi chiều chợ nghỉ thì thuyền nghỉ. Ở làng biển này, gần 1/3 tàu thuyền là không có động cơ, thế nên, thuyền chỉ đi gần bờ, đứng trên bờ có thể thấy được thuyền đánh bắt ngoài biển. Nhiều khi nhìn các địa phương khác sắm những chiếc tàu lớn ra khơi, có lúc tôi cũng nghĩ hay mình vay mượn để đầu tư nhưng rồi sợ không làm được, lấy gì mà trả nợ”.
Hỏi ra mới biết, dân ở đây chỉ thích đi gần vì đã quen nghề lộng, chẳng mấy ai biết nhiều đến nghề khơi. Chẳng thế mà cả cái xã Cương Gián, có đến gần 80% cư dân sống bằng nghề biển lại chỉ có 166 tàu thuyền, trong đó, 48 thuyền là không động cơ. Hôm chúng tôi đến, làng biển không còn đông đúc, nhộn nhịp như xưa. Từ sau sự cố môi trường, người ra biển thì ít, thuyền nằm bờ thì nhiều vì “có đánh bắt cá về cũng có bán được mô” như lời mấy thanh niên chúng tôi bất chợt gặp!
Kể cả những người có tư tưởng “thoáng” hơn như anh Nguyễn Thanh Tĩnh (thôn Nam Hải, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) thì cũng không biết bao lần “chật vật” với phương tiện của mình. Anh Tĩnh cho biết: “Ra khoảng 30-50 hải lý thì bắt đầu gặp luồng mực. Khoảng 3-4 ngày là thuyền phải quay trở vào bờ để bán hết mới ra khơi được vì khoang thuyền (36 CV) không đủ chứa nhiều mà bảo quản cũng không tốt bằng tàu lớn. Mỗi chuyến mực như vậy được ít nhất 20-30 triệu đồng, gấp cả chục lần đi lộng. Chỉ tiếc thuyền mình bé quá…”.
Tư tưởng bó hẹp của ngư dân, tiềm lực yếu thế trước thời cuộc chính là “căn nguyên” dẫn đến việc trong số 5.000 tàu thuyền của cả tỉnh có đến 95% hoạt động trong vùng lộng.
“Hồn treo cột buồm”…
Năm nay đã 55 tuổi, những gì nghề biển để lại cho ông Dương Văn Sơn (thôn Song Hải, xã Cương Gián, Nghi Xuân) sau 35 năm bám biển là không nghề nghiệp. Cả 3 đứa con ông, sau khi quyết định bán chiếc thuyền cũ kỹ của cha thì gia đình chẳng còn gì giá trị. Không nghề, không tài sản, lúc nào nhớ biển thì theo chúng bạn đi đôi ba chuyến “cải thiện”, còn không thì gặp gì làm nấy trên bờ. Không phải ngư dân chán biển mà sự thật là chưa biết bao nhiêu lần ông cùng các con phải kinh hãi trên chiếc thuyền nhỏ bé, tròng trành giữa biển lớn.
Gần 100% đội tàu đánh cá của xã Cương Gián (Nghi Xuân) chỉ quanh quẩn gần bờ.
Ông Sơn nhớ lại: “Có hôm đang thả mẻ lưới thì giông kéo đến, nhìn thấy bờ trong mắt mà không vào kịp. Sóng cứ thế đánh “chao đảo”, nếu hôm đó không có thuyền của các ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) cứu giúp thì lật thuyền bỏ xác rồi còn mô”.
Về được nhà đã là may mắn, hầu như năm nào trên dải biển ngang Nghi Xuân từ Xuân Liên, Cương Gián, Xuân Yên, Xuân Phổ… cũng xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Thi thoảng, làng biển lại oằn lên nỗi đau mất mát, xé toang cả miền quê nghèo. Người dân ở Xuân Yên vẫn còn nhớ như in ngày chị Nguyễn Thị Thu lao ra biển gào khóc gọi tên chồng trong vô vọng. Biển đã cướp đi người đàn ông của chị khi vừa bước vào tuổi 26.
Cũng chỉ để đủ miếng ăn qua ngày, giữa ngày biển nổi sóng, anh Nguyễn Văn Thái vẫn cương quyết ra khơi và bị nhấn chìm dưới dòng nước lạnh toát. Cùng ngày hôm đó, làng biển Yên Ngư này còn phải nghe tiếng khóc ai oán của 2 đứa trẻ con của anh Hoàng Văn Thanh vì mất đi người bố tội nghiệp chưa kịp đưa thức ăn về nhà. Chưa kịp lắng xuống, vụ tai nạn thương tâm xảy ra đối với ngư dân Phạm Văn Thời (Xuân Yên) khi lao mình cứu thuyền bạn gặp nạn để rồi bị biển nhấn chìm xuống lòng sâu. Lúc đó, thuyền của các anh chỉ cách bờ khoảng 100m!.. Rồi hàng nghìn, hàng nghìn những tai ương mà ngư dân gặp phải trên biển cả bao la. Thuyền càng bé, càng cũ thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao.
Kể cả những người dày dặn “đánh” khơi thì cũng không ít lần rợn ngợp vì cô độc. Anh Nguyễn Lưu Truyền (Xuân Hội - Nghi Xuân) - người ra khơi bằng con tàu vỏ thép đầu tiên của Hà Tĩnh dù đã ở trên phương tiện vững chãi nhưng vẫn còn không ít băn khoăn. “Đàn ông đi biển có đôi”, đã ra biển là phải có bạn, có đội tàu của mình thì mới dễ làm ăn và cùng nương tựa vào nhau. Xuân Hội là địa phương có nhiều tàu lớn của tỉnh, thế nhưng, giữa trùng khơi sóng cả, chúng tôi vẫn thấy mình nhỏ bé và chới với lắm. Giá như có thêm nhiều đội thuyền, đội tàu vươn khơi thì tốt biết mấy”.
Tăng cao về tiềm lực kinh tế, vững chãi giữ gìn biển đảo quê hương, việc phát triển các tàu lớn còn hạn chế được tình trạng khai thác tận diệt. Một thực trạng là, hiện nay, ngư dân đang thực hiện khai thác quá mức nguồn hải sản ven bờ, điều này sẽ làm cạn kiệt dần nguồn lợi, phá hủy môi trường sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều nơi vì miếng cơm manh áo, ngư dân vẫn bất chấp sinh mạng ra khơi hàng trăm hải lý khi phương tiện không đáp ứng đủ mã lực, đủ chất lượng.
Khi giấc mơ đóng tàu lớn chưa thể thực hiện, ngư dân hàng ngày neo mình trên những chiếc thuyền đánh cá “lá tre” tròng trành sóng cả, chẳng khác nào “hồn treo cột buồm”…
Với tiềm năng lợi thế 137 km bờ biển nhưng sản lượng khai thác hải sản hàng năm của Hà Tĩnh chỉ ngót nghét ở mức bình quân 26.000 tấn/năm. Trong khi đó, 2 tỉnh lân cận là Quảng Bình và Nghệ An có bờ biển ngắn hơn, sản lượng hàng năm lại đạt từ 60.000-80.000 tấn. Nguyên nhân chính là do cường lực khai thác thủy sản ở Hà Tĩnh còn quá yếu. Công suất bình quân của đội tàu toàn tỉnh là 19,68 CV/tàu (công suất bình quân của cả nước là 57 CV/tàu). Chủ yếu là tàu đánh bắt ven bờ, có công suất 20 CV chiếm gần 80%; riêng khối tàu có công suất từ 90 CV trở lên khai thác vùng biển xa bờ chỉ có 1%”. | ||
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản |
(Còn nữa)