Từ ngày 8/3/2018, anh Nguyễn Việt Khánh (xã Xuân Đan) thả hơn 2,5 triệu con tôm giống.
Vụ tôm đầu năm nay, anh Nguyễn Việt Khánh (xã Xuân Đan) thả 2,5 triệu con tôm giống CP trên diện tích 2ha với 6 ao nuôi, trị giá gần 500 triệu đồng. Sau gần 2,5 tháng nuôi, tôm của anh chậm lớn, đến giờ mỗi con cũng chỉ to bằng đầu đũa.
Anh Khánh lo lắng: "Tôm vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng không biết nguyên nhân gì nuôi mãi không chịu lớn. Bình thường với thời gian trên, tôm nuôi sẽ đạt kích cỡ từ 70 – 80 con/kg, nhưng hiện chỉ đạt 400 – 500 con/kg".
Mặc dù vậy, hàng ngày anh vẫn phải đổ vào đây gần cả tấn thức ăn, tương đương với 25 triệu đồng. “Bỏ ra gần gần 2 tỷ đồng cải tạo ao đầm, mua con giống, thức ăn... mà giờ tôm lại thành tép” – anh Khánh ngán ngẩm.
Sau 2,5 tháng thả nuôi, tôm chỉ mới đạt kích cỡ 400 - 500 con/kg
Không chỉ khu nuôi ở xã Xuân Đan mà diện tích ao nuôi của anh Khánh ở Xuân Phổ cũng bị hiện tượng tương tự. Hiện tại, tôm nuôi đã gần 6 tháng nhưng chỉ mới đạt kích cỡ 150 con/kg. Lo lắng, không giám mạo hiểm nên mới đây, anh Khánh đành phải tiến hành thu hoạch "non", bán với giá "bèo" để cứu vớt lại ít tiền vốn.
Cũng như anh Khánh, một số hộ nuôi tôm ở xã Xuân Phổ, Xuân Đan... đang "đứng ngồi không yên" vì tôm nuôi chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cuối vụ. Mặt khác, chi phí thức ăn tăng cao mà chưa chắc đã thu được kết quả như mong muốn.
Với 6 ao nuôi, mỗi ngày mất 1 tấn thức ăn, trị giá gần 25 triệu đồng mà tôm vẫn không lớn
Những ngày này, ông Trần Bách Quyền - chủ đầm tôm ở xóm 7 xã Xuân Phổ như "ngồi trên đống lửa". Bước vào vụ nuôi năm nay, ông thả gần 4 triệu con tôm giống của Công ty Nam miền Trung và Công ty thủy sản ViNa. Sau 60 ngày xuống giống, đến nay, tôm chỉ mới đạt kích cỡ 170 - 180 con/kg (bình thường 75 - 80 con/kg).
"Không biết nguyên nhân thế nào chứ cả vùng diện tích tôm nuôi ở đây đều chậm lớn, kiểm tra thấy tôm bị phân trắng. Theo dõi vài tuần nữa, nếu tôm không lớn chắc cũng phải bán tống, bán tháo thôi" - ông Quyền lo lắng nói.
Lo lắng cho vụ nuôi, các chủ đầm thường xuyên kiểm tra sức khỏe, sự phát triển của tôm
Theo một số cán bộ chuyên môn, có nhiều nguyên nhân làm tôm nuôi chậm lớn như môi trường, thức ăn, dịch bệnh. Trước hết, có thể do người dân mua phải con giống kém chất lượng; sử dụng thức ăn kém và không đủ lượng đạm cần thiết cũng làm tôm chậm lớn.
Ngoài ra, có thể tôm bị các loại vi khuẩn, virus ký sinh đường ruột, gan tụy làm suy yếu giảm ăn, chậm lớn và thậm chí không lớn. Mặt khác, các yếu tố môi trường như nguồn nước, nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn của tôm. Nhất là nhiệt độ thay đổi đột ngột quá cao hay quá thấp cũng khiến tôm bị sốc dẫn đến ăn ít hoặc bỏ ăn.
Khi phát hiện tượng tôm nuôi chậm lớn, người dân cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như nhiệt độ, oxy hòa tan, pH... để điều chỉnh cho phù hợp; chú ý quản lý tảo trong ao nuôi, khi tảo phát triển quá mức hoặc mất tảo đột ngột cần xử lý ngay. Thường xuyên sử dụng men vi sinh để làm sạch nước ao, ức chế vi khuẩn gây hại, giúp cân bằng sinh học trong ao nuôi, hạn chế dịch bệnh gây hại cho tôm. Dùng AQUA YUCCA thường xuyên giúp hấp thụ khí độc trong ao nuôi, phòng ngừa tôm nổi đầu, giảm ăn do khí độc; sử dụng các men tiêu hóa, vitamin C trộn vào khẩu phần ăn của tôm, tăng sức đề kháng và giúp tôm tiêu hóa thức ăn tốt. |