Hạnh phúc là bên nhau. Ảnh: Hoàng Oanh |
Đan Mạch liên tục nằm trong top đầu các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Được sống hạnh phúc - như vậy đã đủ cho một lý do để tôi chuyển đến Đan Mạch ít nhất một lần trong đời chưa nhỉ?
Sưu cao thuế nặng, hạnh phúc nổi không?
Đan Mạch là quốc gia mà người dân phải đóng thuế nhiều nhất thế giới, từ mức thấp nhất là 46,98% lên đến mức cao nhất 67,98% tùy thu nhập. Nghĩa là từ một nửa đến hai phần ba số tiền bạn kiếm được mỗi tháng mặc nhiên không phải là của bạn.
Thú thật tôi có phần sốc khi biết sự thật này, khi mà cùng lúc một sự thật khác lập tức hiện ra: Đan Mạch cũng là một trong những đất nước có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Sao có thể hạnh phúc khi ta luôn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền và sưu cao thuế nặng?
Xe đạp để khắp nơi. Ảnh: Hoàng Oanh |
Câu trả lời hóa ra lại rất đơn giản: Người Đan Mạch hạnh phúc vì họ chẳng buồn lo lắng đến cả hai điều đó. Ừ thì đóng thuế cao ngất ngưởng thật đấy, nhưng họ vẫn vui vẻ đóng vì tin rằng đó là một sự đầu tư chính đáng cho chất lượng cuộc sống của chính mình.
Tiền thuế được dùng để duy trì hệ thống an sinh xã hội vốn được xem thuộc hàng hào phóng và bình đẳng nhất thế giới. Việc khám, chữa bệnh là hoàn toàn miễn phí với dịch vụ hạng nhất cho tất cả công dân và người có thẻ cư trú (kể cả tôi, một người nước ngoài với tấm thẻ vàng tạm trú một thời gian, cũng được hưởng trọn đặc quyền này).
Giáo dục cũng hoàn toàn miễn phí, ở bậc đại học thậm chí sinh viên còn được nhận lương hằng tháng để tập trung học. Thư viện mở cửa cho tất cả mọi người với hàng ngàn đầu sách, phim, tài liệu miễn phí. Khi tốt nghiệp, bạn sẽ dễ dàng kiếm được việc làm với rất nhiều cơ hội dành cho tất cả mọi người, chỉ cần bạn không lười biếng. Không có sự phân biệt giữa công việc tay chân hay bàn giấy, tất cả việc làm lương thiện và có ích đều được tôn trọng ngang nhau.
Ở sở làm, sếp sẽ khuyến khích bạn về nhà khi hết giờ, mỗi tuần làm đúng 37 tiếng là đủ, không cần vất vả tăng ca. Nếu có con, một chế độ nghỉ chăm con dài ngày được trả lương (lên đến 52 tuần) cho cả hai bố mẹ. Chính phủ cũng hỗ trợ tiền phụ cấp nuôi con, các nhà trẻ thường là miễn phí hoặc có học phí rất phải chăng.
Ở Đan Mạch, lòng tin là một giá trị vô cùng quan trọng. Để người dân có thể vui vẻ đóng thuế lên đến 67% mà không phàn nàn hay nghi hoặc, hẳn đó phải là một xã hội đề cao sự tin tưởng, uy tín và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong một tập thể.
Khi tôi lạm bàn về chuyện tham nhũng, hối lộ và bòn rút công quỹ ở những quốc gia khác dẫn đến việc lòng tin bị bào mòn, những người bạn Đan Mạch của tôi há hốc mồm ngạc nhiên và khẳng định đó là điều tuyệt đối không được chấp nhận ở đất nước họ.
Ở đây, người ta hạnh phúc vì tin vào một nhà nước minh bạch không tham nhũng, tin vào những anh cảnh sát công bằng không nhận hối lộ, tin vào những người dân trên đường sẽ trả lại của rơi nhặt được, tin vào người đi bộ sẽ không băng qua đường trái luật dù lúc đó không có chiếc xe nào đi nữa.
Và sốc nhất có lẽ là lần tôi nhìn thấy những chiếc xe nôi có em bé đang ngủ ngon lành được để hớ hênh ngoài phố, trong khi cha mẹ đang bận uống cà phê trò chuyện cùng bạn bè trong quán bên đường. “Họ thật sự không sợ ai đó bắt cóc con mình à?” - tôi hốt hoảng hỏi anh bạn người Đan Mạch đi cùng. Anh cười bảo: “Đúng vậy đấy. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau rất nhiều!”.
Thư viện miễn phí cho mọi người. Ảnh: Hoàng Oanh |
Hygge - sự ấm áp cùng nhau
Người Đan Mạch có hẳn một từ để miêu tả cách họ hạnh phúc, đó là hygge. Đây là một từ không thể dịch ra chính xác sang ngôn ngữ khác, nhưng có thể hiểu nôm na là “sự ấm áp”, “sự thoải mái”, “sự bên nhau”.
Người Đan Mạch nói suốt về hygge, giống như người Mỹ nói nhiều về tự do vậy. “Tôi muốn về nhà sớm để tận hưởng một chút hygge”, “E hèm, bộ đồ cô ấy mặc hôm nay trông thật là hygge”, “Anh có bật lửa không? Tôi muốn đốt chút nến để bữa tiệc được hygge”.
Nghĩa là chỉ cần một tách cà phê nóng bên lò sưởi cùng cuốn sách, một bữa tối cùng bạn bè hay gia đình bên ánh nến, một chiếc áo len hay đôi tất thật ấm, một cuộc trò chuyện thoải mái cùng người yêu... - những điều bình dị, bé nhỏ mà ấm áp này đã tạo nên cả một nền văn hóa hygge, cốt lõi của hạnh phúc mà bất cứ người Đan Mạch nào cũng có thể trở thành bậc thầy.
Nhờ có hygge, xã hội Đan Mạch đã tiến đến một trạng thái mà việc ta có bao nhiêu tiền không hề liên quan đến chất lượng cuộc sống của ta thế nào. “Tiền nhiều để làm gì?”, câu hỏi gây sốt gần đây ở Việt Nam nếu được đặt ra ở Đan Mạch, họ sẽ trả lời ngay và luôn: “Để đóng thuế, phần còn lại để mua nến, bánh xốp quế, mấy chai bia Carlsberg, bộ đồ chơi Lego, quần áo ấm. Vậy là đủ hygge. Đủ hygge là đủ hạnh phúc”.
Đạp xe để giữ sức khỏe. Ảnh: Hoàng Oanh |
Hạnh phúc cũng là khi mùa xuân đến sau bao nhiêu tháng dài lạnh lẽo ẩm ướt, người Đan Mạch sẽ tổ chức ăn mừng bằng Lễ hội Fastelavn truyền thống với bánh mì ngọt, kẹo, tiệc hóa trang, các trò chơi dân gian vui nhộn.
Người ta tự tay làm tặng nhau những tấm thiệp thủ công gắn cành hoa tuyết kèm bài thơ lãng mạn hoặc hài hước để chào đón mùa xuân. Và khi những ánh nắng vàng ươm hiếm hoi bắt đầu nhảy múa báo hiệu một mùa hè đã về, người Đan Mạch sẽ trở nên “hạnh phúc quá mức”, anh bạn Kasper của tôi khẳng định như vậy.
Bởi mùa đông dài ở xứ sở này khiến người ta thấy trân quý những ngày ấm áp ngắn ngủi, họ đổ hết ra đường, uống bia, nướng thịt, phơi nắng, đạp xe, bơi lội, cười nói. Tất nhiên, họ làm tất cả những thứ đó với một tinh thần hygge - một khái niệm về hạnh phúc - ở mức độ cao nhất.
Theo Báo cáo hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc dựa trên 6 chỉ số về tự do, thu nhập, lòng tin, sức khỏe, an sinh xã hội và sự hào phóng, Đan Mạch nhiều năm liền dẫn đầu thế giới, trở thành quốc gia hạnh phúc nhất. Năm 2018, nước láng giềng Phần Lan đã vươn lên dẫn đầu, đẩy Đan Mạch xuống vị trí thứ ba sau Na Uy. Việc này có vẻ đang trở thành một “nỗi buồn quốc gia” với Đan Mạch. Bằng chứng là hôm rồi tôi đi xem phim ở Copenhagen, họ cứ chiếu đi chiếu lại đoạn quảng cáo “cảnh tỉnh” rằng người Phần Lan và Na Uy đang hạnh phúc hơn người Đan Mạch, rằng người Đan Mạch cần phải làm gì đó để cải thiện tình trạng này. Lý do để Đan Mạch rớt hạng là vì năm rồi Liên Hiệp Quốc có thêm vào một chỉ số về độ hài lòng của người nhập cư. Về khoản này, có lẽ bởi tính cách yêu thích sự riêng tư, ấm cúng, quen thuộc trong văn hóa hygge của người Đan Mạch lại chính là trở ngại với người nước ngoài. Felicity, cô giáo người Anh sống ở Đan Mạch bốn năm nay, cho rằng cô cảm thấy có chút buồn khi nghe thấy người bạn Đan Mạch của cô nói rằng: “Tôi có đủ bạn rồi, không cần thêm bạn mới”. Nhưng hôm rồi tôi đi đạp xe trong rừng và lạc đường về, may mắn gặp được một cụ bà vừa đi tập thể dục về. Bà tiễn tôi một đoạn, tặng tôi một quả chuối và thanh sôcôla, rồi bảo bà phải về để ăn món xúp yến mạch và nghe nhạc jazz. Đó là khi tôi biết rằng bà sắp thực hành ý niệm hygge của riêng mình. Và bà trông rõ ràng là hạnh phúc. |