Video: Quy trình sản xuất "Bánh đa Bà 9".
Gần 3 tháng nay, kể từ ngày sản phẩm “Bánh đa Bà 9”, của gia đình anh Lê Quán Thực (SN 1993, thôn Dư Nại, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ tăng lên gấp đôi, thu nhập cải thiện đáng kể.
Anh Thực chia sẻ: “Nghề làm bánh đa của mẹ tôi (bà Chín) bắt đầu từ khoảng năm 1980 và được duy trì mãi đến khi mẹ già yếu. Ngày ấy, bánh đa được làm thủ công, bột xay từ cối đá và tráng bằng tay. Sự cẩn trọng của mẹ tôi từ các khâu lựa chọn nguyên liệu đến gia vị là yếu tố giúp bánh đa duy trì được lượng khách hàng ở chợ quê. Chúng tôi lớn lên nhờ nồi bánh đa của mẹ và cũng đã từng cùng mẹ dậy sớm xay bột để tráng bánh. Suy nghĩ về việc duy trì, phát triển nghề của mẹ luôn nung nấu trong tôi từ bé...”.
Quy trình sản xuất bánh đa được thực hiện bằng máy.
“Năm 2019, tôi quyết định thực hiện ý tưởng khởi nghiệp từ nghề làm bánh đa của gia đình, dự định của tôi đã được chính quyền địa phương tiếp sức bởi tính khả quan của ý tưởng. Lãnh đạo xã đã họp và thống nhất hỗ trợ các thủ tục cho thuê đất, tổ chức đi học hỏi, tham quan một số mô hình, tạo điều kiện cho chủ sản xuất tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và hỗ trợ khởi nghiệp”, anh Thực chia sẻ thêm.
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 5.000 chiếc bánh.
Từ quyết tâm của bản thân, sự ủng hộ của gia đình, người thân và chính quyền địa phương, anh Thực đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng rộng 120 m2, sân phơi hơn 300 m2 và mua sắm các loại máy (máy xay, tráng, nướng, đóng gói…). Bước đầu vận hành máy móc cũng gặp nhiều khó khăn. Để điều chỉnh độ dày, mỏng, số lượng bánh trong dây chuyền, anh Thực đã phải trải qua quá trình mày mò, nghiên cứu, lắp thêm các cảm biến tự động để hoàn thiện hơn trong quy trình sản xuất, giảm bớt nhân công.
Theo anh Thực, cách làm bánh đa ở đâu cũng giống nhau, chỉ khác ở hương vị đặc trưng. Thế nên, để có được sản phẩm chất lượng, ông chủ trẻ đã mạnh dạn liên kết với các hộ sản xuất lúa, vừng ngay tại Can Lộc để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào. Ngoài kinh nghiệm gia truyền trong quá trình trộn gia vị, anh Thực cũng đã tìm hiểu và học thêm các bí quyết để tạo hương vị đặc trưng cho sản phẩm của mình. Cùng với đó, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng trở thành yếu tố hàng đầu trong quy trình sản xuất.
Diện tích sân phơi 300 m2 đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ phản hồi tích cực của khách hàng, “Bánh đa Bà 9” ngày càng được nhiều người biết đến. Trước đây, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ ở thị trường địa phương, nhưng, từ sau khi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được vào nhóm các sản phẩm OCOP của tỉnh, lượng khách hành tìm đến ngày càng nhiều hơn, số lượng sản xuất tăng gấp đôi so với trước. Trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất khoảng 5.000 chiếc cung ứng cho thị trường khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Hương Sơn, các huyện lân cận và thị trường Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở thị trấn Phố Châu cho biết: “Tôi đã từng nhập bánh đa ở nhiều nơi, nhưng Bánh đa Bà 9 được khách hàng rất ưa chuộng. Bánh giòn, vị vừa ăn, có hương thơm của vừng đen hòa quyện với các gia vị khác tạo nên sự khác biệt. Nay bánh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP nên khách hàng rất yên tâm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm”.
“Bánh đa Bà 9” đạt tiêu chuẩn OCOP vào tháng 5/2023.
"Tiêu chuẩn OCOP 3 sao cho sản phẩm Bánh đa Bà 9, đã ghi nhận những cố gắng và quyết tâm của anh Lê Quán Thực trong hành trình lập nghiệp. Ngoài việc ổn định kinh tế gia đình, anh Thực cũng đã giúp 4 lao động trên địa bàn có việc làm ổn định. Tin rằng, trong thời gian tới, sản phẩm sẽ được tiếp tục mở rộng thị trường, vươn xa tới mọi miền...", Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc - Trần Thế Quyền nhận định.