Vườn cam của anh Đào Đình Lợi sau 5 năm dày công chăm sóc
Tốt nghiệp cấp 3 tại Trường THPT Đồng Lộc, năm 2011, anh Đào Đình Lợi tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Không may khi hết năm thứ 2 thì cha anh bệnh nặng và qua đời.
Chàng trai 20 tuổi năm đó đã gác lại việc học, trở về quê hương với quyết tâm khai phá tiềm năng vùng đồi mà cha anh để lại.
Anh Lợi chia sẻ: “Khu vườn này rộng tới 18,8ha, nhưng trước đây do cha mẹ sức khỏe yếu, không thể khai phá mà chỉ trồng keo, thu nhập thấp. Năm 2014, tôi quyết tâm tận dụng lợi thế, tiềm năng của quê hương, khai phá diện tích đất đai rộng lớn, phát triển kinh tế vườn đồi”.
Vườn cam đã cho thu hoạch những vụ đầu tiên
Bằng tinh thần dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng và Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, thuê máy móc làm mặt bằng, cải tạo 3ha đất để trồng cây ăn quả. Tổng vốn đầu tư nay đã lên tới 500 triệu đồng.
Trăn trở để tìm ra hướng đi mới cho riêng mình, sau một thời gian mày mò, tìm hiểu, năm 2017, anh Đào Đình Lợi quyết thử sức với mô hình sản xuất cam sạch, hướng tới không sử dụng các loại phân bón hóa chất.
Anh Lợi sử dụng các loại bẫy điện, bẫy màn để phòng trừ sâu bệnh, kết hợp diệt trừ thủ công, nuôi các loại côn trùng thiên địch như kiến vàng, ong vò vẽ…
Hiện, vườn cây ăn quả của anh “nói không” hoàn toàn với các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; thay vào đó, sử dụng các loại bẫy điện, bẫy màn để phòng trừ sâu bệnh, kết hợp diệt trừ thủ công và nuôi các loại côn trùng thiên địch như kiến vàng, ong vò vẽ…
Bên cạnh đó, sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, cố gắng hạn chế và tiến tới không sử dụng phân bón hóa học trong thời gian sắp tới.
“Cái khó của mô hình này, là dù cho chất lượng không hề thua kém, nhưng vì không phun các loại thuốc hóa học nên quả cam không được “ngon mắt”, bóng mượt như các sản phẩm thường thấy trên thị trường, số lượng hao hụt do các loại côn trùng, sâu hại cũng khá nhiều”, anh Lợi cho biết.
Cam của anh có phần yếu thế về mẫu mã, nhưng chất lượng, độ an toàn ngày càng được khẳng định
Yếu thế hơn về mẫu mã, nhưng đổi lại, khách hàng khi thưởng thức cam từ trang trại anh Lợi có thể hoàn toàn yên tâm về độ an toàn, tự nhiên.
Cũng vì vậy mà sản phẩm của anh đang dần được rất nhiều người biết đến và ủng hộ. Cam chủ yếu được bán lẻ thông qua mạng xã hội, bạn bè…, được anh “ship” tận tay người dùng, đảm bảo chất lượng, lấy đó làm tiền đề để tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình.
Ngoài cam, anh còn trồng bưởi, ổi...
Tới nay, 500 gốc cam của trang trại đã cho thu hoạch khoảng 4 tấn/vụ, thu nhập ước tính 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn trồng 200 gốc bưởi, 100 gốc ổi, 200 cây cau, kết hợp nuôi 500 con gà thả đồi, thả 100 con cá trắm, tất cả đều theo hướng “thuận thiên nhiên”.
Mô hình của anh bước đầu cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động theo thời vụ.
... kết hợp nuôi cá, gà thả đồi
Anh Lợi cho biết, những kết quả mới là bước đầu, để khai thác hết tiềm năng của khu vườn cũng như quảng bá được hình ảnh về sản phẩm cây ăn quả nói không với chất hóa học còn là một hành trình nhiều khó khăn, thách thức.
“Sức trẻ, khát vọng và sự kiên trì, sáng tạo sẽ là điểm tựa để tôi từng bước triển khai lộ trình phát triển trang trại một cách bền vững” - anh Lợi chia sẻ
Anh là tấm gương để đoàn viên thanh niên địa phương noi theo, vững niềm tin lập thân, lập nghiệp.
Với những nỗ lực của mình, vừa qua, anh Đào Đình Lợi là 1 trong 15 cá nhân được Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Anh là tấm gương sáng để củng cố tinh thần, niềm tin khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên địa phương trên bước đường lập thân, lập nghiệp.