KH&CN “đánh thức” nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thời gian qua thực sự đã tạo được bước chuyển biến quan trọng về nhận thức trong nhân dân. Các tiến bộ KHCN ứng dụng vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu có sức lan tỏa lớn đã và đang được duy trì và nhân rộng, làm tiền đề cho các định hướng phát triển KTXH của địa phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, y dược, văn hóa - xã hội.
Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đang được Sở KH&CN xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm nông sản trên thị trường.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho rằng, sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc, giá trị sản xuất toàn ngành năm sau cao hơn năm trước. Năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp ứng dụng KH&CN được coi là khâu tạo sự đột phá.
Dự án nuôi cá trên sông bằng lồng nhựa HDPE (Nghi Xuân) thành công đã góp phần tạo nên giống cá chép giòn có giá trị kinh tế cao.
Kết quả việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần lựa chọn được những tiến bộ kỹ thuật mới, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao. Tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế lớn, góp phần tác động tích cực, nâng cao hiệu quảsản xuất, tăng thu nhập. Đặc biệt, người nông dân đã nâng cao nhận thức về KHCN và sử dụng hiệu quả vào sản xuất, trở thành tập quán sản xuất. Qua đó, tạo tiền đề để đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà đạt được mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo đề án tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN
Đề án phát triển thị trường, doanh nghiệp KHCN của Hà Tĩnh được triển khai đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân. Đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, bước đầu hình thành thị trường KHCN, đội ngũ doanh nghiệp KHCN. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp KHCN với 8 sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu chuyển giao. Riêng trong năm 2017, doanh thu từ các sản phẩm KHCN đạt trên 16 tỷ đồng.
Công ty CP Dược Hà Tĩnh là một trong những doanh nghiệp KHCN đầu tiên trong tỉnh. Những sáng kiến, công nghệ mới đã góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị.
Công tác kết nối cung cầu công nghệ ngày càng được quan tâm và đạt được những kết quả đánh ghi nhận, nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được du nhập, ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Góp phần gia tăng sản lượng sản xuất, chất lượng các sản phẩm, năng lực sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Trong 2 năm 2016 - 2017, và những tháng đầu năm nay toàn tỉnh có trên 102 hợp đồng chuyển giao công nghệ và thiết bị được ký kết, thực hiện. Bên cạnh đó, ngành KH&CN đã tập trung xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hóa công nghệ và kết quả nghiên cứu KHCN, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tìm kiếm đối tác, mua bán, kết nối cung cầu công nghệ và thiết bị trên địa bàn tỉnh, trong nước và ngoài nước.
Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn cho biết, KH&CN chính là chìa khóa của tương lai, vì vậy, thời gian tới Hà Tĩnh phải hành động quyết liệt và ưu tiên cho việc ứng dụng, phát triển KH&CN ở tất cả các lĩnh vực, các khâu của quá trình tổ chức, quản lý nhà nước, quản trị kinh doanh, quản lý xã hội. Đặc biệt, ngành KH&CN sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các nghị quyết, đề án của tỉnh về KH&CN như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tài sản trí tuệ, doanh nghiệp, thị trường KH&CN, bảo quản chế biến sản phẩm; chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, du nhập giống cây con giá trị kinh tế cao.