Chiều nay (30/7), Vườn Quốc gia Vũ Quang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và đại diện các sở, ngành cùng dự. |
Vườn Quốc gia Vũ Quang không chỉ được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen quý cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, đại diện các sở, ngành và lãnh đạo huyện Vũ Quang tặng hoa chúc mừng tập thể Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Trong suốt 20 năm thành lập, Vườn Quốc gia Vũ Quang được tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn đánh giá là một điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Công tác nghiên cứu khoa học luôn được đơn vị chú trọng, đã có nhiều đề tài nghiên cứu chất lượng được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín; hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả.
Trong năm 2021, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tổ chức 847 lượt tuần tra, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn nghiêm ngặt các tuyến đường vào rừng, nhất là trên tuyến đường vào lòng hồ Ngàn Trươi để kiểm soát người và các phương tiện nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy rừng. Đặc biệt, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Vườn đã tiếp nhận, chăm sóc gần 700 cá thể động vật, tiến hành tái thả về rừng 650 cá thể với 20 loài. Trong đó, có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. |
Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ đọc diễn văn tại buổi lễ.
Đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ...
Tại đây cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao thuộc 813 chi với 217 họ; ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Đây đều là các loài “đặc hữu” (edemic) cho vùng trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang.
Nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Phạm Văn Ngoàng: Mong muốn thời gian tới tập thể Vườn tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, giữ vững danh hiệu Vườn di sản ASEAN; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã...
Thời gian gần đây, tại Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phát hiện nhiều loài mới cho thế giới, làm nổi bật tiềm năng đa dạng sinh học của Vườn. Đáng chú ý là loài: Chà ran tuyến (phát hiện năm 2016), Dẻ Vũ Quang (năm 2017), Trà hoa vàng Vũ Quang và Trà hoa vàng Hà Tĩnh (năm 2018), Tân bời lời Vũ Quang (phát hiện năm 2019).
Với tính đa dạng sinh học, tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu "Vườn di sản ASEAN”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh, với chức năng và nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian tới, Vườn Quốc gia Vũ Quang cần xác định công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR là nhiệm vụ nòng cốt, thường xuyên; tích cực tuần tra rừng tại gốc, đảm bảo rừng không bị xâm hại, gia tăng độ che phủ rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Không ngừng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ lãnh đạo, công nhân, viên chức và người lao động, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; đáp ứng xu thế hợp tác quốc tế khi Vườn Quốc gia Vũ Quang là Vườn di sản ASEAN; chủ động xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học, nhất là phải tranh thủ và thực hiện có hiệu quả các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép triển khai tại đơn vị.
Đặc biệt, các cấp, ngành Vũ Quang cần phát huy tiềm năng, lợi thế của Vườn về du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường; phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh dưới tán rừng, nhằm tạo sinh kế, thu nhập cũng như nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá hình ảnh của Vườn ở trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã trao tặng cờ thi đua của UBND tỉnh cho tập thể Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển, đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Vũ Quang.