Giống cam Thượng Lộc đang được đầu tư phát triển tại các xã thuộc vùng Trà Sơn.
Xác định được những tiềm năng, lợi thế của vùng trà sơn trong việc phát triển kinh tế mang tính bền vững và xoá đói giảm nghèo, UBND huyện Can Lộc đã xây dựng chiến lược cho cây cam Thượng Lộc, cụ thể: Tập trung phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng cam Thượng Lộc, đến năm 2020 có 400 ha cây cho quả, nâng tổng sản lượng quả đạt trên 8.000 tấn/năm.
Thương hiệu cam Trà Sơn đã được xây dựng thành công và ngày càng khẳng định.
Thấy được hiệu quả kinh tế, các hộ sản xuất tại xã Thượng Lộc, Mỹ Lộc… đã bắt đầu đầu tư bền vững cho cây ăn quả đặc biệt là cây cam, bưởi. Nhiều mô hình sản xuất cam theo hướng VietGap, hữu cơ, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Với quyết tâm của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của người dân, thương hiệu cam Trà Sơn đã được xây dựng thành công và ngày càng khẳng định. Hiện, huyện Can Lộc đã thành lập 03 HTX sản xuất giống cây ăn quả, 01 mô hình sản xuất trong nhà lưới, bảo tồn phát triển nguồn giống từ cây đầu dòng giống cam chanh đặc trưng của vùng Thượng Lộc.
Mô hình sản xuất cam theo hướng VietGap của gia đình ông Đặng Việt tại xã Thượng Lộc.
Nhằm đa dạng các loại cây ăn quả địa phương, tại xã Phú Lộc, cây thanh long ruột đỏ đã được đưa vào trồng thử nghiệm và bắt đầu cho hiệu quả kinh tế nhờ dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP) tài trợ. Hiện, toàn xã Phú Lộc đã có hơn 4.500 gốc thanh long ruột đỏ, trong đó gần 3.200 gốc đang cho thu hoạch.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc Nguyễn Hữu Hài cho biết: “Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi, đất sỏi đá. Địa hình Phú Lộc có lợi thế nên chính quyền và bà con nông dân cần đầu tư để phát triển giống cây này trở thành một trong những giống cây chủ lực của xã”.
Thanh long ruột đỏ góp phần đa dạng hóa các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện Can Lộc.
Trong thời gian tới, huyện Can Lộc tiếp tục giúp người dân xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững từ cây ăn quả. Dựa trên cơ sở vùng quy hoạch của địa phương, huyện sẽ cùng các hộ sản xuất, kinh doanh cây ăn quả đầu tư nguồn giống, ứng dụng tiến bộ KHKT để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó bảo vệ bền vững thương hiệu.