Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì họp BTV Thành ủy để nghe và góp ý đề án vào chiều nay 18/2.
Theo đó, đề án có tên là "Xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Đề án được xây dựng với các mục tiêu như: Mở rộng không gian đô thị, phát triển trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng, đa dạng hình thức kết nối với các tỉnh, khu vực; kinh tế tăng trưởng bền vững, hấp dẫn đầu tư, có các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống hài hòa, thu hút dân cư và lao động;
Đầu tư một số tuyến giao thông, thoát nước mưa, thoát và xử lý nước thải nhằm kết nối mạng lưới hạ tầng chính đô thị và vùng phụ cận; có các đơn vị quy mô chuẩn quốc tế, có năng lực, cơ sở vật chất chất lượng cao trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao…
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh Tô Thái Hòa giải trình một số nội dung liên quan đến đề án.
Đề án cũng xây dựng định hướng phát triển không gian theo hướng kết nối với vùng phụ cận và nội thành. Theo đó, đề án đề xuất phát triển mạnh không gian về hướng Tây với một trục phát triển tổng hợp dịch vụ, thương mại, văn hóa, chính trị; sau đó tiếp tục mở rộng về phía Đông, hướng về phía biển.
Đồng thời, tập trung hoàn chỉnh cấu trúc đô thị nhằm mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư. Theo đó, không gian đô thị sẽ phát triển theo 3 hướng chính gồm trục Phan Đình Phùng – Hàm Nghi là trung tâm hành chính và dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao; trục Tây Bắc – Đông Nam nối quốc lộ 1A là các hoạt động bán lẻ, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo, kết nối với các đô thị khác trong vùng; trục Ngô Quyền có quỹ đất lớn, đóng vai trò phụ trợ cho thành phố, cung ứng các dịch vụ đô thị và mở rộng không gian…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Phạm Hùng Cường: Để thực hiện chức năng đô thị trung tâm, TP Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế… Do vậy, đề án thực sự cần thiết đối với sự phát triển bền vững của TP Hà Tĩnh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Tham gia góp ý vào đề án, các ý kiến cho rằng, hiện nay, các điều kiện kết cấu hạ tầng của TP Hà Tĩnh cơ bản đáp ứng các yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, thành phố vẫn chủ yếu là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, một phần là kinh tế của tỉnh.
Trong điều kiện Hà Tĩnh có tốc độ phát triển cao, TP Hà Tĩnh phải có những giải pháp để đáp ứng yêu cầu là cực tăng trưởng, tạo sự phát triển lan tỏa cho toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trịnh Văn Ngọc: Đề án được xây dựng với các mục tiêu như: Mở rộng không gian đô thị, phát triển trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng, đa dạng hình thức kết nối với các tỉnh, khu vực.
Do vậy, đề án phải đánh giá rõ hiện trạng, những bất cập trong phát triển bền vững; các định hướng để phát triển hạ tầng nông nghiệp đô thị, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; có giải pháp tăng cường tuyên truyền thực hiện đề án; làm rõ các giải pháp đề xuất…
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tham gia góp ý vào tên đề án, bố cục, thống nhất các thuật ngữ… theo hướng ngắn gọn, logic, hợp lý.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Tổ xây dựng đề án tiếp thu các ý kiến để tiếp tục triển khai xây dựng đề án.