Sau một thời gian diễn biến thất thường, nền nhiệt trên địa bàn Hà Tĩnh vừa có xu hướng gia tăng, đặt ra nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trước đó, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, Hà Tĩnh ghi nhận ổ dịch sởi trên địa bàn huyện Đức Thọ với 12 ca mắc. Ổ dịch ngay sau đó được kiểm soát, khống chế hiệu quả, không lây lan trên diện rộng và không có trường hợp diễn biến nặng.
Những ngày gần đây, tại một số trường học cũng ghi nhận rải rác các trường hợp học sinh bị thủy đậu phải nghỉ học. Tuy chưa lây lan và bùng phát thành dịch, song điều này cũng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuất hiện, lây lan của các bệnh lý truyền nhiễm vào mùa hè.
Cô Nguyễn Thị Thu Phương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (xã Lưu Bắc Sơn, huyện Thạch Hà) cho biết: “Khoảng 2 tuần trở lại đây, trường có ghi nhận một số em mắc thủy đậu nên đã cho nghỉ học. Nhà trường đã phối hợp với trạm y tế tổ chức tuyên truyền về phòng, tránh bệnh thủy đậu và một số bệnh lý về mùa hè. Thông tin rộng rãi đến các bậc phụ huynh để có sự quan tâm, giám sát và phòng, tránh cho các em”.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bước vào thời điểm mùa nóng, nhiệt độ có xu hướng tăng cao nên kéo theo nhiều nguy cơ về các bệnh lý truyền nhiễm. Đặc biệt lưu ý là sốt xuất huyết, bởi nắng nóng kết hợp mưa chuyển mùa là điều kiện thích hợp cho muỗi vằn phát triển.
Thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng mắc bệnh viêm não Nhật Bản, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu hoặc vi khuẩn H.influenzae. Ngoài ra, trong điều kiện nền nhiệt và độ ẩm như hiện nay sẽ khiến cho các vi khuẩn sinh sôi, dễ gây các bệnh truyền nhiễm do siêu vi như: tay chân miệng, sởi, thủy đậu...
Cùng với các dịch bệnh truyền nhiễm thì nền nhiệt cao cũng đặt ra nhiều nguy cơ xảy các bệnh lý khác cho người dân, nhất là trẻ em và người cao tuổi.
Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Nguy cơ đầu tiên là sốc nhiệt. Trong điều kiện nắng nóng những người làm việc ngoài trời hoặc trong môi trường chật hẹp, nóng bức sẽ khiến cơ thể bị mất nước và điện giải do ra mồ hôi nhiều, dẫn tới tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt, thậm chí trụy tim mạch. Những người bị bệnh nền như tăng huyết áp có thể bị cơn tăng huyết áp kịch phát do nóng, lạnh đột ngột, dẫn đến đột quỵ. Nắng nóng cũng gây ra những nguy cơ về bệnh hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản cấp và viêm phổi, nhất là ở trẻ em và người già do việc thay đổi đột ngột từ môi trường mát lạnh sang nóng”.
Ngoài ra, theo cảnh báo từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, bước vào mùa hè, nguy cơ về mất an toàn thực phẩm sẽ càng trở nên tiềm ẩn. Nguyên nhân là do mùa nóng, nhiệt độ môi trường phù hợp cho các vi sinh vật gây hại dễ dàng phát triển, làm cho thức ăn dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn. Nếu người dân không chế biến, bảo quản đúng cách rất dễ gây nên ngộ độc, dẫn đến tiêu chảy, nôn ói, suy kiệt do mất nước.
Để phòng, tránh hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế. Trong đó, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vắc-xin như: viêm não Nhật Bản, viêm màng não, thủy đậu… Đồng thời, quan tâm công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng chứa nước không cần thiết và những nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển. Thực hiện ăn chín uống sôi, lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo chất lượng, không ăn các loại thực phẩm sống như: gỏi, tiết canh... Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Để phòng tránh các bệnh lý về mùa hè như: sốc nhiệt, đột quỵ, hô hấp…, người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang để chống nóng. Uống nhiều nước, nhất là những người lao động ngoài trời. Không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp hay sử dụng quạt hướng thẳng vào người.
Người dân nói chung, nhất là người lớn tuổi cần nghỉ ngơi, bổ sung dưỡng chất đầy đủ. Đối với những người có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch..., cần thường xuyên kiểm soát bệnh bằng cách kiểm tra và sử dụng đầy đủ các thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ. Khi có các vấn đề bất thường về sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng - Trưởng khoa Khám bệnh BVĐK tỉnh