Video: Nước mắm Tâm Loan - sản phẩm kết tinh từ hương vị biển Lộc Hà.
Chị Nguyễn Thị Tâm ở TDP Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà (chủ cơ sở) chia sẻ: “Để có những chai nước mắm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thì sản phẩm của chúng tôi phải được chiết xuất từ cá cơm tươi chọn lọc từ vùng biển quê hương. Với bí quyết pha trộn và ủ riêng, nước mắm của cơ sở sánh, màu vàng cánh gián, mùi thơm đặc trưng. Trong quá trình chế biến luôn đảm bảo nguyên tắc truyền thống, không pha trộn hương liệu, hóa chất, chỉ “gia cố” thêm muối Hộ Độ, thính gạo và một ít quả thơm khác...”.
Những con cá cơm tươi ngon được đánh bắt ở vùng biển Lộc Hà và muối Hộ Độ là 2 nguyên liệu chính.
Để có những sản phẩm chất lượng, chị Tâm và những người thợ truyền thống phải rất vất vả, trải qua nhiều thời gian, công đoạn phức tạp, khắt khe. Theo đó, cá cơm mua từ bà con ngư dân mới đánh bắt về được rửa sạch, để khô ráo, trộn muối đều theo tỷ lệ 100 kg cá dùng 18 kg muối (phải ủ ít nhất 12 tháng để hết độ mặn chát), gần 1 kg thính gạo và 1,5 kg dứa tươi.
Các bể muối (chum, vại bằng sành sứ) được chùi sạch, đắp lù, bọc chặt trước khi cho các loại nguyên liệu đã được trộn đều vào.
Sau khi đổ đầy nguyên liệu, các bình phải phơi nắng nóng, lấy sương đêm và bảo quản, chăm sóc cẩn thận trong 18 - 20 tháng.
Sau khi nguyên liệu được đổ đầy thì họ dùng mêm tre đan dày theo kích cỡ của miệng bể đậy và dùng đá nặng đè lên để không cho cá nổi. Tiếp đó là công đoạn phơi nắng và lấy sương đêm trong vòng 8 - 10 tháng.
Thời gian này, những người sản xuất mỗi ngày phải đảo đều cá liên tục 3 lần. Đến khi thấy nước mắm có màu vàng tự nhiên, hương vị đặc trưng thì mới đến công đoạn om và ủ kín, kéo dài thêm 9 - 10 tháng nữa mới có sản phẩm cuối cùng đem ra sử dụng.
Từng lù, từng vại được cả chủ lẫn khách mở ra kiểm tra, nếm thử về độ chín, độ thơm ngon.
Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở khá thuận lợi với 2 lao động thường xuyên, 7 lao động thời vụ, thu mua gần 20 tấn cá cơm tươi, sản xuất và tiêu thụ được 8.500 lít nước mắm chất lượng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, cho doanh thu 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận 320 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sản xuất mới, chị Tâm vẫn thấy cơ sở của mình còn những hạn chế về tiếp cận thị trường, công cụ sản xuất, chưa thân thiện với môi trường… nên cần phải đầu tư, thay đổi.
Khi đã chín, những giọt nước mắm thơm nức, đậm đà, màu vàng cánh gián được đóng chai cẩn thận.
Chị Tâm chia sẻ: “Nhận diện xu thế mới thị trường và những lợi thế trong sản xuất, gần đây chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư 1,6 tỷ đồng và sẽ tiếp tục đầu tư thêm 630 triệu đồng nữa nâng cấp hạ tầng, máy móc, mở rộng mặt bằng thêm 250 m2 để đưa sản phẩm đạt chất lượng OCOP.
Mục tiêu 3 năm tới, bình quân sản lượng bán ra đạt 11.500 lít/năm, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 383 triệu đồng/năm... Việc đầu tư máy móc, mở rộng khu chế biến, đa dạng và cải tiến mẫu mã, tăng số lượng sẽ được dựa trên nền tảng là lấy chất lượng sản phẩm làm giá trị cốt lõi, đặt sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu”.
Đóng chai cho lên kệ trưng bày và xuất bán ra thị trường khắp trong và ngoài tỉnh là công đoạn cuối cùng.
Chị Trần Thị Phương ở thị trấn Đức Thọ đánh giá: “Tôi là khách hàng mua sỉ quen thuộc của cơ sở Tâm Loan nhiều năm nay. Mỗi năm, tôi nhập hơn 1.500 lít nước mắm các loại về bán lẻ cho thị trường Đức Thọ. Nước mắm Tâm Loan được khách hàng ưa chuộng, đánh giá có chất lượng tốt, mang hương vị đặc trưng, có giá cả phù hợp…”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Văn An kiểm tra, động viên cơ sở nước mắm Tâm Loan xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Phan Bá Ninh - Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Lộc Hà đánh giá: “Ở Lộc Hà, cơ sở nước mắm của chị Nguyễn Thị Tâm là một trong những địa chỉ sản xuất lớn, quy trình sản xuất chuẩn, chất lượng sản phẩm đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, nước mắm Tâm Loan đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, được tỉnh về kiểm tra và đánh giá rất cao, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ thủ tục sắp tới công nhận sản phẩm OCOP 3 sao”.