Sở Công thương Hà Tĩnh bắt đầu đưa vào hoạt động Sàn TMĐT Hà Tĩnh tại địa chỉ http://hatiplaza.com
Sau gần 1 năm xây dựng, thời điểm này, Sàn TMĐT Hà Tĩnh do Sở Công thương quản lý đã được hoàn thiện và tiến hành chạy thử tại địa chỉ http://hatiplaza.com, hứa hẹn trở thành nơi tin cậy, tích hợp nhiều tiện ích để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tham gia bày bán sản phẩm theo hướng hiện đại, nhanh chóng.
Được biết, Sàn TMĐT Hà Tĩnh sẽ tiếp tục được kết nối với sàn giao dịch thương mại ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và trục thương mại điện tử quốc gia, tạo chuỗi kết nối và mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh.
Với Sàn TMĐT Hà Tĩnh, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tại Hà Tĩnh có thêm các kênh phân phối sản phẩm theo hướng hiện đại.
Bà Tôn Thị Thu Trang – cán bộ phụ trách phát triển thương mại điện tử (Sở Công thương) cho biết: Phát triển hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là một trong những hướng đi quan trọng của ngành trong 2 năm lại đây với mục tiêu tạo dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, giúp doanh nghiệp phát huy tốt năng lực sản xuất, kinh doanh.
"Đây cũng là kênh giao dịch, quảng bá, cập nhật thường xuyên sản phẩm trực tiếp từ các đơn vị sản xuất uy tín trên địa bàn tỉnh đến các nhà phân phối, tạo mối liên kết trong hoạt động cung cầu. Trong 2 năm nay, Sở đã hoàn thiện 2 trang TMĐT có gian hàng bày bán sản phẩm là http://hatiplaza.com và http://dacsan.hatinh.vn" - chị Trang thông tin thêm.
Sản phẩm nội tỉnh được bày bán đa dạng tại các cửa hàng.
Cùng với việc phát triển hoạt động TMĐT, Sở Công thương Hà Tĩnh cũng đã chủ động kết nối với các đơn vị liên quan như: Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các doanh nghiệp phân phối… để sản phẩm nội tỉnh đến gần hơn với khách hàng.
Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Hàng hóa của HTX như: nước nắm, cá mờm khô, cá mờm rim lạc, ruốc mặn… thường xuyên được đưa đến các cửa hàng kinh doanh tại TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, Hương Sơn với số lượng ổn định. Cùng đó, cơ sở cũng đã tiến hành đầu tư vốn để mở thêm điểm phân phối tại TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh”.
Người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các sản phẩm nội tỉnh có chất lượng. (Ảnh tư liệu)
Việc có các điểm kinh doanh tập trung sản phẩm chủ lực của tỉnh đã giúp khách hàng có thêm địa chỉ tin cậy khi đi mua sắm. Chị Lương Thị Trang (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “2 năm lại đây, cửa hàng thực phẩm sạch bày bán hàng hóa của tỉnh được mình quan tâm và thường xuyên ghé đến. Bây giờ nhiều loại như: gạo, nước mắm, dầu lạc, cá khô, đồ hải sản đông lạnh… đều có thể dễ dàng tìm mua tại các cơ sở này”.
Sở Công thương cũng đang khảo sát và tiến hành hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho 5 doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực chủ lực của tỉnh như: nông sản, chế biến thủy sản, tiểu thủ công nghiệp…
Các HTX, doanh nghiệp nội tỉnh quan tâm đến việc đầu tư mẫu mã, trang thiết bị để từng bước khẳng định và tìm chỗ đứng trên thị trường. (Ảnh tư liệu)
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Sở Công thương Hà Tĩnh sẽ tiến hành miễn phí việc đăng kí gian hàng, quảng bá sản phẩm để ưu tiên, tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tại Hà Tĩnh tham gia Sàn TMĐT Hà Tĩnh. Sở khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận tìm hiểu, tham gia để đưa sản phẩm đến với khách hàng ở các tỉnh khác".
Ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng, các HTX, doanh nghiệp nội tỉnh cũng cần có chiến lược cụ thể, coi trọng và tận dụng lợi ích mà thương mại điện tử mang lại trong quá trình tiếp thị, quảng bá...; đồng thời quan tâm đến việc đầu tư mẫu mã, trang thiết bị hiện đại để cải tiến sản xuất nhằm giữ thương hiệu và uy tín cho sản phẩm.