Bảo vệ thương hiệu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Hà Tĩnh đã nhanh chóng “bắt nhịp” đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm; cập nhật quá trình tạo ra sản phẩm từ khâu bắt đầu cho đến khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Thu Hùng (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) đã có sự đầu tư bài bản nhằm nâng cao chất lượng và vị thế của HTX trên thị trường. Ảnh Thu Phương
Sau nhiều năm “tiên phong” xây dựng thương hiệu sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, an toàn, 5 mặt hàng của HTX Chế biến thủy sản Thu Hùng (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) gồm: Nước mắm, mực khô, tôm nõn, cá bún, ruốc đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc vào cuối năm 2018.
Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Thu Hùng Hồ Thị Thu cho biết: “Nhờ đầu tư công nghệ và chú trọng khâu truy xuất nguồn gốc mà 7 tháng đầu năm nay, lượng sản phẩm bán ra của HTX tăng khoảng 10% so với năm 2018. Đặc biệt, sản phẩm nước mắm của cơ sở được nhiều khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình,… đón nhận, tin dùng”.
Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm thông qua tem truy xuất nguồn gốc dán trên các sản phẩm.
Với những yêu cầu cấp thiết của người tiêu dùng và để bảo vệ thương hiệu cam ngon nổi tiếng của vùng trà sơn, UBND huyện Can Lộc cùng các cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn đã “đi trước một bước” hoàn thành thủ tục và dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam Thượng Lộc gần 2 năm qua.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trâm – Giám đốc HTX Trà Sơn (Thượng Lộc, Can Lộc) cho hay: “Bên cạnh việc đẩy mạnh thâm canh VietGAP, đơn vị đã phối hợp với huyện dán tem truy xuất sản phẩm cam của 81 tổ viên trong HTX. Đây chính là “tấm vé thông hành” khẳng định thương hiệu cam Thượng Lộc trên thị trường”.
Cam Thượng Lộc ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường nhờ thâm canh VietGAP và ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Đức Anh Cường - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và chế biến thương mại (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức kiểm tra và tiến hành cấp tem chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi có xác nhận cho 8 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Các sản phẩm nằm trong chuỗi được kiểm soát chất lượng định kỳ, đảm bảo chất lượng đang góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất”.
Người tiêu dùng Hà Tĩnh tin tưởng sử dụng hàng nội tỉnh
Khách hàng tìm mua các sản phẩm nội tỉnh có chất lượng cao, mẫu mã đẹp tại cửa hàng nông sản sạch của Hội Nông dân tỉnh.
Nhờ cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh, cửa hàng nông sản sạch của Hội Nông dân tỉnh…. đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của nhiều khách hàng khi đến tìm mua các sản phẩm “có tiếng” do các cơ sở, doanh nghiệp nội tỉnh sản xuất.
Chị Lê Thị Tú Anh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi ngày càng tin tưởng và ủng hộ các sản phẩm đặc sản của tỉnh như nước nắm, ruốc, mực khô, cam,… vì hầu hết những sản phẩm này đều có thể tra thông tin, xuất xứ chỉ bằng các thao tác đơn giản”.
Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn.
Chị Bùi Thị Nga – Chủ cửa hàng nông sản sạch của Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: “Số lượng sản phẩm cửa hàng bán ra luôn ổn định và được khách hàng phản hồi tốt. Doanh thu của cơ sở kinh doanh chúng tôi đạt hơn 100 triệu đồng/tháng, chủ yếu đến từ các mặt hàng “made in Hà Tĩnh”.
Có thể thấy, trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa "ma trận" hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng “dốc hầu bao” nhiều hơn cho những sản phẩm chất lượng thì doanh nghiệp sẽ phải chủ động sản xuất “sạch”, bắt nhịp xu thế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.