Đề án sắp xếp trường học trên toàn tỉnh đang được xây dựng dựa trên “kim chỉ nam” là Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD &ĐT. Cốt lõi của lộ trình này là giảm đầu mối nhưng phải nâng cao chất lượng giáo dục.
Đề án sắp xếp trường học đang được các địa phương xây dựng. Tuy nhiên, ở những nơi có điều kiện thuận lợi, việc sáp nhập đã được tiến hành từ năm học 2018-2019 (Trong ảnh: Khai giảng năm học mới ở trường TH-THCS Kỳ Hải)
Không áp đặt, không gây xáo trộn
Trên thực tiễn, Hà Tĩnh đúc kết nhiều kết quả, kinh nghiệm sau hơn 5 năm sáp nhập hệ thống trường học liên xã theo Quyết định 2286/QĐ - UBND ngày 8/8/2012 của UBND tỉnh. Một trong những bài học đắt giá đó là sự máy móc, áp đặt đã gây xáo trộn ở một số địa bàn khi chúng ta áp dụng 1 mô hình sáp nhập chung cho toàn tỉnh (sáp nhập các trường trung học cơ sở (THCS) thành trường liên xã).
Bởi vậy, lộ trình sắp xếp trường học trên toàn tỉnh giai đoạn mới được phân cấp rõ và trao quyền tự chủ cho các địa phương, đơn vị. Theo đó, Sở GD&ĐT xây dựng đề án sắp xếp các trường THPT công lập và ngoài công lập; UBND cấp huyện xây dựng đề án sắp xếp hệ thống trường mầm non, phổ thông công lập và ngoài công lập.
“Trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc (thuận lợi cho người học, không xáo trộn việc tổ chức dạy học, không lãng phí cơ sở vật chất và phải gắn với việc sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ), các địa phương, đơn vị được linh hoạt lựa chọn các phương án (sáp nhập các trường cùng cấp thành trường liên xã hoặc trường liên cấp tiểu học (TH) - THCS cùng xã) dựa vào điều kiện thực tiễn từng địa bàn” - Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng cho biết.
Học sinh trường liên xã THCS Sơn Hà (Cẩm Sơn và Cẩm Hà) hiện nay vẫn đang học tại 2 điểm trường sau khi sáp nhập. Đây là bài học để các địa phương lựa chọn phương án nhập trường phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn mới. (Trong ảnh: Giờ học ở điểm 2 trường THCS Sơn Hà)
Trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh cho phép các địa phương, đơn vị tiến hành sáp nhập trường từng bước ở những nơi hội đủ điều kiện. Với lộ trình mở này, dù đề án chưa hoàn thành nhưng huyện Can Lộc đã sáp nhập được 8 trường thành 4 trường TH, THCS liên xã; huyện Kỳ Anh sáp nhập 3 trường và một điểm trường thành 2 trường liên cấp TH - THCS; huyện Thạch Hà sáp nhập 2 trường thành 1 trường liên cấp TH - THCS…
Những người trong cuộc còn đánh giá cao sự linh hoạt trong chủ trương sắp xếp trường học giai đoạn mới khi cho phép trường sáp nhập được học tại 2 điểm trường. Từ đó, giúp các trường sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có và không gây nhiều xáo trộn trong việc di chuyển điểm đến trường của học sinh.
Nâng chất lượng giáo dục là mục tiêu xuyên suốt
Mô hình trường liên cấp tư thục đang được nhiều nhà đầu tư triển khai tại Hà Tĩnh. Năm học mới này, trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein chính thức bước vào hoạt động... Ảnh: Đình Nhất
Điều trăn trở của những người trong ngành giáo dục đó là các trường liên cấp (phương án sáp nhập được nhiều địa phương lựa chọn) liệu có đảm bảo chất lượng dạy học khi hội tụ 2 cấp học với nhiều vấn đề đặt ra. Băn khoăn lớn nhất đó là theo quy định, lãnh đạo ở trường cấp cao hơn sẽ là hiệu trưởng của trường liên cấp. Như vậy, liệu khối tiểu học có bị giảm sút kết quả dạy - học?
Theo các nhà quản lý giáo dục, việc chọn người đứng đầu có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết sẽ là giải pháp quan trọng nhất. Hiệu trưởng trường liên cấp với cách thức quản lý khoa học, khéo léo sẽ phát huy được vai trò 2 hiệu phó chuyên môn, xây dựng được khối đoàn kết để nâng cao chất lượng đồng đều ở cả 2 cấp học.
Mỗi địa phương đang có cách làm riêng để tìm người đứng đầu ở những ngôi trường sáp nhập liên cấp. Phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh tiến hành cuộc khảo sát tổng thể các hiệu trưởng trường học (về trình độ, năng lực, trách nhiệm, uy tín…) và xếp loại, công bố một cách công khai. Dựa vào đó để bố trí hiệu trưởng các trường sau sáp nhập theo thứ tự xếp hạng một cách minh bạch, công bằng, giải tỏa những băn khoăn trong đội ngũ cán bộ quản lý. Phòng GD&ĐT Can Lộc làm việc cụ thể với từng “ứng viên” để phân tích thực tiễn, năng lực của từng người trong bộ máy quản lý mới, từ đó, thống nhất phương án lựa chọn người đứng đầu trước khi đưa ra bàn bạc tập thể.
Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh từ bậc mầm non đã phát triển bậc tiểu học và năm học 2018-2019 có thêm bậc THCS.
Giải đáp thêm những băn khoăn về chất lượng giáo dục ở các trường liên cấp, người đứng đầu ngành GD&ĐT tỉnh cho rằng, với 2 chương trình dạy học, sự khác nhau về học sinh, giáo viên 2 cấp học, thời gian đầu không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, theo lộ trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục từ truyền thụ kiến thức chuyển sang phát triển kỹ năng học sinh thì chương trình học sẽ xóa dần ranh giới giữa bậc TH và THCS. Theo đó, hệ thống giáo dục tiến tới hình thành 2 phân khúc: Từ lớp 1 đến lớp 9 là giáo dục phổ thông và từ lớp 10 - 12 là giáo dục định hướng.
Như vậy, bậc TH và THCS sẽ tiến tới hòa cùng một hệ thống giáo viên, chương trình, phương pháp dạy học. “Đón đầu sự đổi mới này, trong các đợt bồi dưỡng, chuyên đề, ngành đã chú trọng truyền đạt phương pháp dạy tích hợp liên môn; nâng cao trình độ, năng lực giáo viên theo những yêu cầu mới để trường liên cấp có đội ngũ cán bộ có chất lượng, nâng cao chất lượng giáo dục” - Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng nhấn mạnh.
Sắp xếp trường học là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 96/2018-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh “về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Với những nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách hỗ trợ đồng bộ, Nghị quyết 96 được xem là cẩm nang và cũng là động lực để ngành GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục bứt phá, đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới. |