Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh sau những ngày mưa lụt, số lợn chết tại Can Lộc tăng
Ngày 18/8, lợn nái của gia đình ông Nguyễn Văn Luận ở thôn Nam Mỹ (xã Trung Lộc) bị chết và có kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Từ đó đến nay, dịch tả lợn đã lan rộng trên địa bàn 8/10 thôn của xã với tổng số 130 lợn bị chết, 39 hộ bị ảnh hưởng. Tình trạng dịch bệnh càng trở nên khó khống chế và lây lan nhanh sau những ngày mưa lũ.
Ông Nguyễn Văn Đại – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc cho biết: “Gần 20 ngày kể từ khi dịch bùng phát, toàn xã có 21 hộ ở 7 thôn bị ảnh hưởng với tổng số 76 con lợn bị chết. Thế nhưng, chỉ mấy ngày sau lũ, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng và lan rộng thêm địa bàn thôn Bình Minh, đồng thời lây lan thêm 18 hộ ở một số thôn với tổng số 54 con lợn bị chết.
Đặc biệt, thôn Đồng Kim trước đây chỉ có 2 hộ thì sau mưa lũ, dịch bệnh đã phát sinh tại 11 hộ chăn nuôi lợn. Nguyên nhân phần lớn là do địa bàn vùng trũng, trận mưa lũ vừa qua, nhiều hộ ở thôn Đồng Kim nước ngập nhà từ 1,2 đến 1,5m, việc phòng chống dịch bệnh trở nên bất khả kháng khi một số chuồng trại chăn nuôi bị ngập, dịch bệnh lây lan là điều không thể tránh”.
Ngay sau khi lũ rút, thị trấn Nghèn đã tăng cường rải vôi bột ở các khu vực chuồng trại, các trục đường
Cùng chung tình trạng ngập lụt, tại thị trấn Nghèn, trong những ngày mưa lũ vừa qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở thị trấn đã phải lội nước, đội mưa để đào hố tiêu hủy lợn chết. Đến thời điểm hiện tại, thị trấn đã có 4/18 tổ dân phố xuất hiện dịch bệnh với 106 con lợn của 18 hộ nuôi bị chết. Trong đó có 2 khối phố với tổng số 4 hộ phát sinh dịch sau mưa lũ. Riêng ngày 10/9 có 3 hộ chăn nuôi ở khối phố 8 và Xuân Thủy 2 có 31 con lợn bị chết do dịch.
Không chỉ riêng Trung Lộc và thị trấn Nghèn, diễn biến dịch tả lợn châu Phi ở Can Lộc đã phức tạp hơn sau những ngày mưa lũ.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan thêm 3 xã: Gia Hanh, Thường Nga và Tiến Lộc.
Chính quyền cơ sở tiếp tục vận động nhân dân ký cam kết phòng chống dịch tả lợn
Nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh ở Can Lộc được xác định một phần bởi mưa lũ. Ngập lụt ở nhiều địa bàn khiến chuồng trại bị ngập, trong khi chăn nuôi nông hộ ở Can Lộc có số lượng lớn, dân cư lại ở liền kề làm dịch bệnh lây lan nhanh.
Nhiều địa phương cũng tăng cường các hoạt động phun tiêu độc khử trùng
Để khống chế tình hình dịch bệnh, ngay sau những ngày mưa lũ, công tác phòng chống dịch bệnh được huyện và các địa phương triển khai quyết liệt.
Ngoài số lượng hóa chất, vôi bột huyện cung cấp, xã Trung Lộc cũng đã tăng cường thêm 250 lít hóa chất, 10 tấn vôi bột. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng đã mua để vệ sinh, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Cùng với đó, Trung Lộc cũng đã tăng cường công tác bám sát địa bàn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong các hộ nuôi, đặc biệt là việc sử dụng nước sạch trong chăn nuôi.
Tại thị trấn Nghèn, ngoài các biện pháp chốt chặn, địa phương cũng đã thực hiện các giải pháp để giãn hộ nuôi nhằm giảm số lượng đàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ở một số hộ có tổng đàn lớn, việc bảo toàn số lượng đã trở thành mục tiêu hàng đầu. Anh Nguyễn Văn Dũng ở khối phố Hồng Vinh (thị trấn Nghèn) cho biết: “Để bảo toàn đàn lợn khoảng 40 con, khu chuồng trại được chúng tôi cách ly tuyệt đối với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài số lượng vôi bột được cấp, chúng tôi cũng đã mua thêm để rải và thực hiện phun hóa chất hàng ngày theo một khung giờ nhất định”.
Các chốt kiểm dịch tăng cường phòng chống dịch
Cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân Can Lộc đã và đang tăng cường các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho các hộ nuôi.
Sau hơn 2 tháng kể từ ngày bùng phát ổ dịch đầu tiên ở Thuần Thiện, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng tại 72 thôn xóm, khối phố thuộc 17/23 xã, thị trấn, 470 hộ bị thiệt hại với số lượng hơn 2.500 con lợn bị tiêu hủy. Để tăng cường công tác phòng chống dịch, Can Lộc đã chi hơn 1,2 tỷ đồng cho việc mua hóa chất, vôi, bảo hộ, máy bơm động cơ, kinh phí chốt chặn, tiêu hủy…
Để hạn chế tình hình dịch bệnh phát sinh, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng sau khi lũ rút, xử lý nước uống cho gia súc bằng Cloramin; kiểm soát chặt chẽ công tác trực chốt, việc tiêu hủy lợn ốm chết; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.