Nhiều hộ nuôi tại Nghi Xuân, Cẩm Xuyên... đang tranh thủ thời gian bán nốt số tôm còn lại trong ao sau trận mưa lũ lịch sử.
Sau đợt mưa lũ kéo dài, môi trường ao hồ bị ảnh hưởng nặng nề khiến tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, chết dần, người dân ở vùng nuôi xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) phải nhanh chóng liên hệ ngay để bán số tôm còn lại trong hồ.
Ông Lê Quang Anh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng (Kỳ Hà) cho biết: “Chúng tôi dự tính hơn 2/3 số tôm trong các ao nuôi của HTX đã trôi theo dòng nước lũ. Còn bao nhiêu tôm trong hồ thì bắt đầu thấy ăn ít, đỏ thân nên tôi quyết định xuất bán sớm để được đồng nào hay đồng ấy”.
Tôm bị đỏ thân, sốc nước rồi chết dần với số lượng khá lớn nên người nuôi đành chấp nhận bán cho thương lái sớm hơn dự tính.
“Vừa rồi, tôi đã huy động nhân lực kéo được gần 4 tấn, số còn lại sẽ bán rải trong 2 - 3 ngày tới đây nhưng chắc sẽ không còn nhiều nữa. Các hộ nuôi khác tại xã cũng đã kêu người bán gấp hồ nuôi vì lo ngại tình hình sức khoẻ của tôm sẽ xấu đi” – ông Anh chia sẻ.
Dù tránh được trận lũ lịch sử vừa qua nhưng anh Tiến Hùng (thị trấn Cẩm Xuyên) đang “ngồi trên đống lửa” vì tôm bị chết ngày càng nhiều. Anh Hùng xót xa: “Liên tiếp đón các trận mưa lớn, tôi dù đã cố thực hiện nhiều biện pháp nhưng không ăn thua, ngày nào đi kiểm tra cũng nóng hết cả ruột gan. Nên dù phải gần một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, tôi đành phải lo bán trước 50% số tôm có trong hồ, chứ cứ để thế thì lo thiệt hại lớn thêm”.
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân) xuất bán tôm trong các ao nuôi.
Giải thích về hiện tượng này, anh Hùng thông tin thêm: “Mưa lớn khiến nhiệt độ, độ mặn, pH của nước giảm; nước ao tôm bị phân tầng làm hàm lượng oxy hòa tan trong nước không xuống được đáy ao dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy đáy. Đặc biệt, việc tích tụ tảo, tạp chất dưới đáy ao làm tôm giảm sức đề kháng, dễ bị các loại bệnh như đỏ thân, đốm trắng… tấn công và có thể chết hàng loạt. Qua trao đổi thông tin với nhau, gần như các hộ nuôi trong nghề đều chịu chung tình trạng này”.
Không chỉ lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh, người nuôi cũng đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn do hiện nay thương lái thu mua tôm với giá khá thấp.
Anh Hồ Quang Dũng - HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân) cho biết: “Sợ sức khoẻ của tôm không trụ nổi mấy đợt mưa tiếp theo, mới đây, HTX đã xuất bán hơn 15 tấn với giá trung bình 80 nghìn đồng, giảm từ 20 - 25% so với cách đây hơn 1 tháng do mẫu mã không được đẹp bởi ảnh hưởng của mưa lũ dài ngày”.
Giá tôm loại đẹp, đều con hiện tại đang ở mức 80 nghìn đồng với loại 100 con/kg, 190 nghìn đồng với loại 40 con/kg
Anh V.N ở xã Thạch Sơn (Thạch Hà) buồn rầu: “Số tôm còn lại trong hồ yếu dần và có thể bị chết nên phải bán để vớt vát phần nào nhưng cũng chỉ bán được 65 nghìn đồng/kg đối với loại 110 con/kg. Với giá này, người nuôi “thiệt đơn, thiệt kép”, trong lúc này kêu được người đến mua cũng là may rồi vì tôm “dính” nước bạc này cũng khó tiêu thụ”.
Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết: “Sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, gần như các hồ tôm ở các huyện có diện tích lớn như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thời điểm hiện tại, người nuôi lại đang đối mặt với tình trạng tôm bị sốc môi trường, giảm sức đề kháng, nhiễm bệnh và chết dần do mưa lũ liên tục. Các hộ này đành phải chấp nhận bán sớm hơn kế hoạch dự tính”.
Người nuôi cần ổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tôm có thể kháng bệnh tốt hơn.
“Để khắc phục hậu quả sau mưa lũ, người nuôi trồng thủy sản cần phải xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước; rải vôi bột quanh bờ ao kết hợp bón vôi cho ao để ổn định độ PH; bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho con tôm... Nếu tôm có nhiều biểu hiện không ổn định, ăn ít, lờ đờ, đỏ thân... thì nên xuất bán để tránh tình trạng xấu đi” – ông Cần cho biết thêm.