Sông Én đoạn qua các xã Hồng Lộc, Tân Lộc nước chuyển màu đen, hôi thối.
Khảo sát thực tế trên dòng sông Én, qua đánh giá bằng cảm quan, chúng tôi nhận thấy nước sông có màu đen đục, bốc mùi hôi thối và khó chịu. Dọc 2 bờ dòng sông, vẫn còn xác chết của không ít loài thủy sản.
Ông Nguyễn Trọng Dần (thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc) bức xúc: "Cách đây khoảng 1 tuần, sau đợt mưa lớn nước sông Én bất ngờ chuyển dần sang màu đen ngòm và rất hôi thối. Người dân sống ven sông khốn khổ vì ô nhiễm. Sau đó cá, tôm dưới sông chết nổi hàng loạt, nhiều người dân vớt lên rất nhiều.
Vùng ven sông có rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên do nước sông ô nhiễm nên chúng tôi không thể bơm vào ao để dưỡng cá. Riêng gia đình có hơn 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, những ngày vừa qua chúng tôi đứng ngồi không yên khi nhiệt độ rất cao, thời tiết nắng nóng mà không có nước bơm vào ao."
Cá trong ao nuôi của ông Phan Văn Ngần chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm.
Ông Phan Văn Ngần (thôn Tân Trung, xã Tân Lộc) cũng bức xúc không kém: "Nước sông Én trước đây vốn trong lành, không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất mùa màng mà còn giúp người dân ven sông phát triển kinh tế nhờ nuôi trồng thủy sản. Riêng gia đình tôi, không chỉ nuôi cá mà còn nuôi vịt, mỗi năm đều có thu nhập khá. Tuy nhiên, sau trận mưa cách đây 1 tuần thì nước sông ô nhiễm nặng, cá chết trắng. Ngay cả những loại rất khỏe như cá chép, cá rô phi, cá leo… có trọng lượng hơn 1 kg vẫn không chống chịu nổi.
Do chủ quan, tôi vẫn bơm nước vào ao nuôi để dưỡng cá. Hậu quả là cá trong ao 1.500 m2 chết sạch. Đàn vịt cũng chết gần 500 con. Do thiệt hại quá nặng, chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền vào cuộc tìm nguyên nhân và có giải pháp sớm khắc phục ô nhiễm trên dòng sông Én."
Dọc sông Én, vẫn còn xác chết của không ít loài thủy sản.
Tương tự, hộ anh Nguyễn Đình Toàn (thôn Tân Phượng, xã Tân Lộc), do để nước sông tràn vào mương cá nên gần 4 tạ cá trắm, cá chép vừa thả giống từ tháng 2/2019 đã chết sạch. Anh Toàn cay đắng nói: "Là người nuôi cá lâu năm, chúng tôi không thấy dấu hiệu bất thường, dịch bệnh trên những con cá đã chết trên sông. Thế nên, theo ý chủ quan của tôi, chỉ có nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm mới khiến thủy sản chết hàng loạt như vậy."
Ven sông có rất nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản, gia cầm nhưng nguồn nước ô nhiễm nặng nên ngoài ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân.
Bà Phạm Quỳnh Lê, chuyên viên Phòng TN&MT huyện Lộc Hà cho biết, thời gian qua, nhận được phản ánh tình trạng thủy sản chết hàng loạt trên sông Én, Phòng TN&MT đã tổ chức các đợt khảo sát, kiểm tra trực tiếp trên sông và kênh Hồng Tân. Theo đánh giá bước đầu, nước sông khá ô nhiễm, đục ngầu, hôi thối và ghi nhận hiện tượng thủy sản chết là có thật. Sau đó, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền các xã vớt và chôn lấp số cá chết trên sông.
Sau khi khảo sát, UBND huyện Lộc Hà đang lên kế hoạch thành lập đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh, trang trại chăn nuôi có hoạt động xả thải trên sông Én để điều tra nguyên nhân. Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo và đề xuất với Sở TN&MT về phương án xử lý, khắc phục ô nhiễm."