Mỹ đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) cùng phi đội máy bay ném bom chiến lược đến Trung Đông để dằn mặt Iran . Trong khi đó, Nhà Trắng dự kiến sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Iran trong những ngày tới.
Tình hình đã leo thang một cách nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Donald Trump gọi Vệ binh Cách mạng Iran là “tổ chức khủng bố”, một động thái mà các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc cảnh báo có thể dẫn đến những hành động đáp trả của Iran đối với Mỹ và đồng minh, bao gồm Israel .
Căng thẳng hiện tại làm dấy lên lo ngại, rằng một hành động bất ngờ của một trong hai bên, ngay cả khi nó là vô tình có thể kéo theo cuộc xung đột quân sự. Giới phân tích nhận định nếu xảy ra xung đột quân sự chủ yếu diễn ra trên không và trên biển.
KHÔNG QUÂN
Theo Global Fire Power (GFP), không quân Iran đang vận hành 509 máy bay các loại, được xếp hạng 24 trên tổng số 137 quốc gia trong danh sách của GFP. Không quân Iran sở hữu 142 tiêm kích, 165 cường kích, 89 máy bay vận tải, 104 máy bay huấn luyện, 126 trực thăng vận tải và 12 trực thăng tấn công.
Mỹ có ưu thế tuyệt đối về không quân so với Iran. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Máy bay chiến đấu mạnh nhất của Iran là MiG-29 do Liên Xô sản xuất, F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất và bán cho nước này trước Cách mạng Iran năm 1979. Những chiến đấu cơ này cho dù được Iran tự nâng cấp nhưng vẫn khó có thể so sánh được với các chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ là lực lượng không quân mạnh nhất thế giới. Chỉ tính riêng tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) đã có thể mang theo tới 90 máy bay các loại, chưa tính đến máy bay tại các căn cứ Không quân Mỹ ở Trung Đông.
Về sức mạnh không quân, Mỹ hoàn toàn vượt trội so với Iran. Không quân Iran khó có thể đấu tay đôi với Mỹ trong một cuộc xung đột nếu có. Tuy vậy, không quân Iran có một vũ khí nguy hiểm khác là máy bay không người lái (UAV).
F-14 Tomcat của Iran phô diễn sức mạnh trong một cuộc tập trận gần đây. Ảnh: IRNA. |
Thời gian gần đây, Iran đã tăng cường sản xuất các loại UAV tầm ngắn cho nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu. Gần đây, Iran đã công bố video cho thấy UAV Ababail-3 quay được cận cảnh tàu sân bay Mỹ đang hoạt động trên biển mà không gặp bất kỳ phản ứng nào từ đội tàu hộ tống.
Đoạn video là một bằng chứng cho thấy UAV của Iran có thể lách qua hệ thống radar tối tân trên các chiến hạm để tiếp cận tàu sân bay Mỹ. Tuy UAV không phải là vũ khí có thể đánh chìm tàu chiến Mỹ, nhưng một vụ tấn công cảm tử bằng UAV có thể gây hóc hỏng, ảnh hưởng đến hiệu suất tác chiến tổng thể.
HẢI QUÂN
Cũng theo GFP, hải quân Iran có tổng cộng 398 tàu chiến các loại, trong đó có 7 tàu hộ vệ tên lửa, 3 tàu hộ tống, 34 tàu ngầm. Lực lượng đông đảo nhất của hải quân Iran là các xuồng tên lửa tốc độ cao, vũ khí trung tâm trong chiến thuật tác chiến phi đối xứng trên biển của Tehran.
Chiến thuật bầy đàn bằng xuồng tên lửa tốc độ cao được đánh giá là mối đe dọa đáng kể của đối với Hải quân Mỹ. Ảnh: Fars. |
Trong khi đó, Hải quân Mỹ sở hữu 415 tàu chiến các loại, gồm 11 siêu hàng không mẫu hạm, 11 tàu đổ bộ tấn công, 22 tuần dương hạm, 68 tàu khu trục, 68 tàu ngầm, 15 tàu hộ tống, 13 tàu tuần tra, 11 tàu quét mìn.
Xét về tổng số tàu chiến giữa Mỹ và Iran gần tương đương nhau, nhưng các tàu chiến của Mỹ đều là những chiến hạm cỡ lớn với sức mạnh tấn công và phòng thủ cực mạnh. Trong khi đó, hải quân Iran chủ yếu dựa vào chiến thuật tấn công kiểu “bầy đàn” của các xuồng tên lửa tốc độ cao.
Nhà phân tích quân sự David Axe, quản lý trang mạng quốc phòng War is Boring (một trong mười trang mạng quân sự hàng đầu thế giới) từng lập luận, đối mặt với hỏa lực mạnh và tinh vi của Hải quân Mỹ, quân đội Iran trong nhiều thập niên qua đã cố gắng phát triển chiến thuật “bầy đàn” nhằm làm giảm ưu thế công nghệ của Mỹ.
So sánh quân số và vũ khí giữa quân đội Mỹ và Iran: Đồ họa: Salamnfws. |
Ông Axe cho rằng thay vì cố gắng phát triển kho vũ khí phù hợp năng lực của vũ khí Mỹ, Iran triển khai số lượng lớn các hệ thống đơn giản trên đất liền, trên biển và trên không. Mục đích của kế hoạch là tạo ra sự áp đảo về số lượng so với Mỹ.
Trong năm 2016, xuồng cao tốc của Iran liên tục quấy rối các chiến hạm Mỹ đi eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư. Tàu chiến Mỹ buộc phải bắn pháo sáng cảnh báo.
Các sự việc kết thúc mà không dẫn đến sự cố đáng tiếc nào. Tuy nhiên, việc tàu cao tốc Iran quấy rối tàu tuần tra Mỹ cung cấp một cái nhìn thoáng qua về chiến lược của Iran có thể sử dụng trong một cuộc chiến trên biển.
Chiến thuật bầy đàn bằng xuồng tên lửa tốc độ cao được các chuyên gia quân sự đánh giá là mối đe dọa đáng kể đối với các chiến hạm của Mỹ nếu xảy ra xung đột.
TÊN LỬA ĐẠN ĐẠO
Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo đồ sộ nhất Trung Đông. Đây cũng là vũ khí nguy hiểm nhất của Tehran trong cuộc xung đột quân sự nếu có với Mỹ. Các tên lửa đạn đạo Iran có tầm bắn tối đa khoảng 2.500 km, có thể được sử dụng để tấn công căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Tehran xem tên lửa đạn đạo là công cụ răn đe chống lại Israel. Trong trường hợp Iran bị tấn công, nó sẽ là phương tiện đáp trả vào quân đội Mỹ và đồng minh. Chiến lược này có thể được kết hợp với chính sách “phòng thủ tiền phương”, thông qua lực lượng quân sự ủy nhiệm như phiến quân Houthi và Hezbollah.
Tên lửa đạn đạo của Iran được đánh giá là vũ khí nguy hiểm nhất nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ. Ảnh: Far News. |
Cuộc nội chiến tại Yemen là một minh chứng cho chiến thuật “phòng thủ tiền phương” của Iran. Phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn liên tục phóng tên lửa vào Saudi Arabia để đáp trả việc nước này can thiệp vào nội chiến ở Yemen.
Phiến quân Houthi từng phóng 2 tên lửa chống hạm do Iran cung cấp nhắm vào tàu khu trục USS Mason (DDG 87) của Mỹ, khi tàu đi qua eo biển Bad-el-Mandeb vào năm 2016. Dù tên lửa đã bị hệ thống phòng thủ trên tàu đánh chặn, nhưng đó là một tín hiệu cho thấy sự nguy hiểm của tên lửa Iran đối với tàu chiến Mỹ.
Nếu chiến tranh giữa Mỹ và Iran xảy ra, chiến thuật này nhiều khả năng sẽ được phát huy để đáp trả vào các căn cứ quân sự và đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ không có tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 500 km, vì điều này bị cấm theo thỏa thuận Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Liên Xô vào năm 1987. Tuy vậy, Mỹ sở hữu kho tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk đồ sộ, vũ khí được ví von là “sứ giả chiến tranh”.
Tomahawk có tầm bắn hơn 2.500 km, cùng hệ thống dẫn đường tiên tiến có thể đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ 10 m. Nó sẽ là lựa chọn hàng đầu trong một cuộc tấn công phủ đầu vào Iran.