Bìa cuốn sách với hình ảnh bà Loan (Đậu Thị Cúc) trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam
Tôi là độc giả, còn chị ấy là tác giả. Chúng tôi cùng đi vào cuộc hành trình tìm kiếm gốc gác và quê hương của Loan (tên thật là Đậu Thị Cúc), một người phụ nữ khác sinh ra ở Hà Tĩnh đầu thế kỷ XX.
Câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của bà đã được khắc hoạ trong cuốn sách của cô con gái út: Loan, từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng. Tôi đã có dịp giới thiệu cuốn sách của chị Isabelle Müller trên Báo Hà Tĩnh.
Việc đi tìm gốc gác của Loan bắt đầu từ việc hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện bộ phim tài liệu tái hiện lại cuộc đời của Loan, một người phụ nữ Việt Nam với một số phận điển hình trong giai đoạn đất nước trải qua nhiều biến động lịch sử từ đầu thế kỉ XX cho đến hết chiến tranh chống Pháp; đồng thời cũng điển hình cho số phận một Việt kiều Pháp gốc Việt vào thời kỳ cuối của chế độ thuộc địa, đã trải qua những khó khăn vất vả trong việc tạo dựng cuộc sống ở nơi đất khách quê người.
Nhưng bản lĩnh, sự kiên cường trong cuộc sống và sự kiêu hãnh của họ, nhất là ở một người phụ nữ bình dân như Loan, có thể coi là biểu tượng cho sự thất bại của Pháp ở Việt Nam cũng như sự thất bại của chế độ thuộc địa ở thời kỳ đó và là một điển hình cho sự vươn lên và khẳng định của người phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.
Chị Isabelle Muller - tác giả cuốn sách
Tôi tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc hành trình tìm về nguồn cội của chị Isabelle, một mặt do bị cuốn hút bởi câu chuyện của Loan, mặt khác vì quê mẹ của chị cũng là quê mẹ của tôi.
Một vài chi tiết về không gian miêu tả trong sách cho phép khoanh vùng nơi ở của gia đình Loan, như tôi đã đề cập trong bài viết trước: nơi Loan trải qua tuổi thơ của mình, là một làng quê miền Trung làm nghề nông và săn bắn, có con sông chảy qua, cách không xa rừng rậm nơi cha của Loan vẫn vào đi săn và không xa biên giới Lào;
Nơi đó cũng gần đường cái quan (quốc lộ 1A) nơi người qua lại vào Nam ra Bắc có thể dừng chân ghé qua và rất gần thị xã Hà Tĩnh, khoảng cách đủ để một cô bé 6 tuổi hằng ngày có thể đi bộ bê rổ kẹo kéo tới đứng bán rong trước cửa một rạp chiếu bóng (thời thuộc Pháp), gần chợ và gần bốt gác của Pháp ngày xưa.
Làng đó, sau khi đoàn làm phim đến Hà Tĩnh, tìm hiểu qua một người con dâu 90 tuổi trong gia đình và qua người con của “bà cô xấu tính” mà Isabelle nhắc đến trong sách, thì chính là xã Trung Tiết, nay nằm trong khu đô thị Vinhomes, Hà Tĩnh.
Bà Đậu Thị Cúc (Loan) thời trẻ (ảnh: Isabellemueller.de)
Để thực hiện bộ phim này, đoàn làm phim của đạo diễn Nguyễn Hoàng đã chuẩn bị các thông tin và tư liệu để tái dựng lại cuộc đời của Loan, trong đó có quãng đời tuổi thơ của Loan ở Hà Tĩnh.
Về gia đình Loan, đoàn làm phim có thông tin cần thiết nhờ vào một lá thư của người họ hàng của bà Cúc gửi sang Pháp mấy chục năm trước, trên lá thư có ghi một địa chỉ ở huyện Thạch Hà. Điều may mắn là con cháu trong gia đình này hiện tại vẫn sinh sống ở đó. Tên làng sau những lần tách nhập đã thay đổi, nay là xóm Tây Đài, xã Thạch Đài (Thạch Hà).
Thông qua Hoa, một người bạn cùng quê, cùng lớp xưa, tôi nói chuyện điện thoại trực tiếp với anh Đậu Quang Duẩn, cháu nội người cậu cả của chị Isabelle.
Anh nói là vẫn thường nghe kể đến gia đình bà cô Đâụ Thị Cúcở Pháp và rất mong được gặp. Tôi gửi cho anh cuốn sách của chị Isabelle. Qua những trao đổi với anh, chúng tôi có manh mối để tìm ra nhiều người thân khác của bà Cúc.
Chúng tôi có không ít băn khoăn về một số thông tin, nhưng mọi việc đều được sáng tỏ khi chị Isabelle Müller trở về quê mẹ.
Đoàn làm phim của đạo diễn Nguyễn Hoàng cùng chị Isabelle có mặt ở Hà Tĩnh vào một ngày giữa tháng 2 năm 2019 để bắt đầu dựng lại cuộc đời bà Đậu Thị Cúc.
Đó là lần đầu tiên chị Isabelle đến mảnh đất đã gắn bó với tuổi thơ của mẹ. Một trong những cảnh quay chính ở Hà Tĩnh được quay ở Thạch Đài quê tôi.
Chị Isabelle nói với tôi: “Nếu gia tộc của em và gia tộc chị xưa kia mà quen biết nhau thì phải làm thêm một bộ phim nữa về mối nhân duyên này”.
Tác giả Isabelle Muller và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa
Chị Isabelle chỉ biết Hà Tĩnh qua lời kể của mẹ từ mấy chục năm trước, lúc chị còn bé. Lần đầu tiên chị được trở về quê ngoại của mình, gặp họ hàng bên ngoại, những người gọi chị bằng bà, dì, bằng o (cô), cảm nhận được tình cảm thân thương của họ hàng.
Như một sự dẫn dắt của định mệnh và của người mẹ quá cố, chị đã gặp lại con cháu trong gia đình cháu nội của người cậu cả (ông Đậu Văn Quế), con trai của người cậu út (ông Đậu Xuân Lệ) và gia đình “bà cô xấu tính” và nhiều người khác.
Lần đầu tiên chị đã có thể thay mặt mẹ mình tha thứ cho những người đã đối xử bất công và độc ác với mẹ. Nén nhang chị thắp trước ngôi mộ của bà ngoại và người cậu cả đã xoá đi mọi kí ức đau buồn của hai phần ba thế kỉ trước, đem cả gia đình về lại bên nhau.
Nếu như cuốn sách của chị Loan, từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng thể hiện mong muốn đưa mẹ về gần hơn với quê hương Việt Nam, thì lần trở về này của chị như đã đưa mẹ thực sự về nơi chôn rau cắt rốn, về lại gia đình.
Hôm đó, tôi dậy từ lúc 4h sáng (giờ Paris) để theo dõi chuyến đi của họ, xen kẽ các cuộc liên lạc với bạn Hoa, với chị Isabelle và mỗi lúc lại phát hiện thêm một tình tiết mới thú vị. Qua tin nhắn tôi cũng cảm nhận được những xúc động của chị.
11h đêm ở Việt Nam sau một ngày nhiều cảm xúc, chị gửi cho tôi một ghi âm rất dài tường thuật lại những việc chị đã có thể làm ở Hà Tĩnh, mà đối với chị, gần như là trọn vẹn, có những việc hơn cả mong đợi.
Tôi nói với chị rằng chính mẹ Loan, và quê hương đã dẫn dắt chị. Chị đã có một buổi tối vui vẻ bên người thân lần đầu gặp mặt. Chị đã có dịp ở lại Hà Tĩnh một đêm, một giấc ngủ thảnh thơi giữa lòng quê mẹ.
Isabelle Müller ở quê hương Hà Tĩnh tháng 2/2019 (ảnh của đạo diễn Nguyễn Hoàng)
Buổi sáng của ngày tiếp theo, đoàn làm phim thực hiện thêm một số cảnh quay ở rạp hát, nơi cô bé Cúc lúc 6 tuổi vẫn thường ngày ngày mang rổ kẹo kéo ra đứng bán, rồi lên đường theo hành trình cuộc đời của Loan.
Phim thực hiện các cảnh quay ở Hà Tĩnh, Vinh, Nam Định, Hải Phòng (Việt Nam), Tours (CH. Pháp).
Đây là một bộ phim rất công phu được thực hiện bởi một ê kíp tên tuổi như đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hoàng, nhà văn Trầm Hương.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng đã dành hơn 40 năm để thực hiện hàng trăm bộ phim tài liệu, bằng tất cả sự say mê của mình, rất nhiều phim của anh đã đoạt các giải thưởng lớn, như: Giữa ngàn thác lũ (Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, 1994); Cánh chim không mỏi (Bông sen vàng, Liên hoan phim Việt Nam, 1998); Mê Kông ký sự (Cánh diều vàng, 2007, Giải nhất Liên hoan phim ASEAN); Những cánh hoa ngược dòng (Huy chương vàng LHP truyền hình); Từ trái tim đến trái tim (Giải A Báo chí quốc gia, 2014)…
Isabelle Müller và Quỹ Loan Stiftung ở Hà Giang (ảnh của đạo diễn Nguyễn Hoàng)
Loan, Phượng Hoàng tái sinh là bộ phim được chờ đón trong năm 2019. Đây là bộ phim đặc biệt kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, ra mắt ở TP Hồ Chí Minh từ 21 đến 23/10/2019 trên kênh TFS/HTV9.
Đặc biệt, phim được chiếu ở Hà Tĩnh ngày 25/10/2019 cùng sự kiện ra mắt với sự có mặt của đoàn làm phim và chị Isabelle Müller tại Hà Tĩnh.
Ngoài việc theo dấu hành trình cuộc đời của bà Đậu Thị Cúc, phim có thêm phần quay ở Hà Giang, nơi con gái bà, chị Isabelle Müller và Quỹ LOAN Stiftung do chị sáng lập đang thực hiện các dự án giúp đỡ trẻ em vùng cao.