“Hoàng hoa sứ trình đồ” của Hà Tĩnh là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đất anh hùng, đất học, đất nhạc, đất thơ
Là nơi quần cư của người Việt cổ, với thế núi hình sông và vị trí “biên trấn” trong lịch sử, sau này là “đòn gánh” gánh hai đầu đất nước, Hà Tĩnh là mảnh đất giang sơn tụ khí. Linh khí quần tụ từ Hồng Lĩnh, Giăng Màn, Thiên Nhẫn, Hoành Sơn, Tam Soa, Lam Giang, Cửa Hội, Cửa Nhượng, Kỳ Ninh... Khí chất sông núi tạo nên khí chất con người, làm nên hồn cốt của một vùng đất, tạo ra những giá trị văn hóa lớn lao. Các di sản văn hóa Hà Tĩnh vô cùng phong phú, đa dạng.
Non nước Hà Tĩnh . Ảnh: Thanh Hải
Hiện trên đất Hà Tĩnh còn lưu giữ hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 436 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 77 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, hơn 1.000 sắc phong cổ. Hà Tĩnh cũng được UNESCO công nhận 2 di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ; 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là ví giặm và ca trù. Hiện Hà Tĩnh còn 72 lễ hội với đủ các loại hình.
Đất anh hùng, đất học, đất nhạc, đất thơ, đó là gương mặt riêng của Hà Tĩnh. Con người Hà Tĩnh nổi lên với các đặc trưng cơ bản: yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, hiếu học và học giỏi, nhiều người đỗ đạt thành danh, cần kiệm, ngay thẳng, chân tình và chung thủy, gắn bó và kết nối cộng đồng bền vững.
Nhà thơ Huy Cận viết: Đất này bền nghĩa bạn/ Đất này tình thủy chung/ Đất này mẹ dạy con/ Yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tựa bể… Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, mảnh đất này luôn xuất hiện những anh hùng, văn nhân, hiền tài đóng góp cho đất nước như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập…
Dòng họ Nguyễn Huy và nhân dân xã Trường Lộc tổ chức rước bằng công nhận “Hoàng hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Ảnh: Giang Nam
Những đặc trưng này đã làm nên bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh, làm “căn cước” đi ra với thế giới, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn trong sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.
Tuy vậy, bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão trên thế giới, thuần phong mỹ tục ít nhiều bị lãng quên, các giá trị văn hóa bị phai nhạt. Một bộ phận giới trẻ lệch chuẩn văn hóa, đề cao lối sống tự do cá nhân, xa rời các nét đẹp truyền thống. Cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường ở một số địa phương chưa có nhiều cách làm hay, sáng tạo để bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh. Thực trạng ấy đặt ra vấn đề cấp bách phải tiếp tục phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh.
Khơi dậy truyền thống, xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh mới
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hà Tĩnh đã chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng con người Hà Tĩnh chân thiện mỹ, nhân văn đáp ứng yêu cầu sự phát triển bền vững của đất nước.
Chùa Hương Tích - một trong những di tích nổi tiếng của Hà Tĩnh đang ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương.
Dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2035” được Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhiều lần và nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan, đoàn thể, ban, ngành, các nhà nghiên cứu văn hóa.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong chủ đề cũng nhấn mạnh “Phát huy dân chủ, đoàn kết, giá trị văn hóa, ý chí, khát vọng và sức mạnh con người Hà Tĩnh”.
Trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: “Chú trọng đầu tư lĩnh vực văn hóa, xây dựng các giá trị chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; chăm lo thực hiện tốt các chính sách cho người có công với cách mạng và đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân”.
Đầu tư lĩnh vực văn hóa là một nội dung bao trùm và rộng lớn, trong đó có những nhiệm vụ rất cụ thể như: xây dựng, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Hà Tĩnh văn minh, thân thiện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng và sáng tạo các giá trị văn hóa; ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ đời sống Nhân dân.
Bảo vệ, quản lý, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là một trong những mục tiêu xây dựng con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới.
Về xây dựng con người Hà Tĩnh, Dự thảo Báo cáo chính trị cũng định hình rất cụ thể các nội dung: Quan tâm thực hiện chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống tiêu cực, tệ nạn xã hội; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;
bảo vệ, quản lý, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh; nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, phát triển phong trào thể thao; phát triển các dịch vụ văn hóa, gắn phát triển văn hóa với du lịch; phát huy các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học - nghệ thuật;
Thực hiện đề án quy hoạch báo chí; quản lý, khai thác các loại hình thông tin trên internet phục vụ phát triển KT-XH; chủ động đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của dân tộc; xây dựng nếp sống văn hóa đoàn kết, dân chủ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay là điều không hề dễ. Nếu mỗi một cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể, mỗi ngành, mỗi người, mỗi gia đình luôn ý thức được bảo vệ vẻ đẹp riêng quý giá của mình thì mạch nguồn văn hóa sẽ luôn được khơi dậy, bồi đắp dồi dào, phong phú. Giá trị, bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh sẽ luôn được gìn giữ, bảo tồn, nhân lên những tầng nấc mới, tạo ra nguồn lực to lớn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương.