10 tháng năm 2022, ngành ngân hàng Hà Tĩnh có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng tốt.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh, dư nợ toàn địa bàn đến 31/10 ước đạt 88.450 tỷ đồng, tăng 23,23% so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu tăng trưởng dư nợ đặt ra hồi đầu năm.
Năm 2022, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 15 - 17% so với cuối năm 2021. Đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã vượt mức tăng trưởng dư nợ đề ra. Nợ xấu toàn địa bàn chỉ chiếm khoảng 0,61%/tổng dư nợ.
Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng tại Hà Tĩnh chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển sau đại dịch khá tốt, kéo theo nhu cầu vay vốn đầu tư của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cao.
Ngoài ra, thời gian qua, các tổ chức tín dụng cũng đã linh hoạt thiết kế các gói vay phục vụ tiêu dùng (mua đất ở, làm nhà ở, mua ô tô - xe máy, mua sắm thiết bị sinh hoạt, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay phục vụ khám chữa bệnh...) với lãi suất khá ưu đãi nhằm giúp các hộ dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau dịch.
Đặc biệt, ngoài các gói vay thế chấp, có tài sản đảm bảo, nhiều tổ chức tín dụng còn tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng tiếp cận các gói vay phục vụ tiêu dùng theo hình thức tín chấp (không tài sản đảm bảo).
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, từ ngày 25/10, với động thái tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều khả năng, tốc độ tăng trưởng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh cũng sẽ có nhiều thay đổi, chậm hơn so với đầu năm.
Tuy nhiên, theo dự ước, nhu cầu nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp những tháng cuối năm sẽ vẫn tiếp tục tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, kiểm soát cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa, linh hoạt nguồn vốn cho các nhu cầu đầu tư sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu vốn và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm.