Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra hiện trường các điểm còn vướng mắc về đường gom, đường điện 220Kv
Tháng 3 khởi công đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh: Dự án đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt là các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đang được Bộ GTVT gấp rút triển khai.
Với tinh thần quyết tâm cao nhất, Bộ dự kiến tháng 3/2021 khởi công dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, tháng 5 khởi công dự án Nghi Sơn – Diễn Châu.
Để dự án triển khai thuận lợi, ngay trong những ngày đầu năm mới, Bộ đã lập đoàn, chủ động rà roát thiết kế kỹ thuật, rà soát trên hiện trường, xác định lại tổng mức đầu tư, nhất là với dự án cao tốc Nghi Sơn- Diễn Châu vừa được Quốc hội cho phép chuyển sang đầu tư công. Bộ cũng làm việc với tỉnh và các sở, ngành về tiến độ GPMB, rà soát công tác cắm mốc GPMB, đặc biệt là việc bố trí mỏ vật liệu.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật nêu các vấn đề phát sinh khi triển khai các dự án cao tốc.
“Qua các dự án cao tốc đang triển khai, chúng tôi thấy rằng vấn đề phát sinh tại tất cả các dự án là mỏ vật liệu. Mặc dù, công tác chuẩn bị chúng ta đã làm rất kỹ, nhưng khi triển khai đồng loạt thì đều xảy ra tình trạng thiếu mỏ, vật liệu tăng giá, làm ảnh hưởng đến tiến độ, mức đầu tư”, Thứ trưởng Nhật cho biết thêm.
“Dự án này được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát quá trình triển khai dự án. Vì vậy, mọi bước, mọi thủ tục đều vừa phải đúng quy định, vừa phải đảm bảo tiến độ. Ở dự án này nếu phải ra hạn tiến độ mà không có lý do chính đáng thì sẽ được coi là gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay cả giá vật liệu nếu không có cơ sở cũng sẽ không được điều chỉnh" - Thứ trưởng Nguyễn Nhật.
Ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT, thành viên Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh Nghệ An cho biết: Về tổng thể công tác GPMB đáp ứng được yêu cầu, đủ điều kiện để các đơn vị triển khai thi công. Hiện tính theo chiều dài tuyến còn khoảng 0,8km đất nông nghiệp, 0,9km đất ở không tái định cư, 2,1km đất tái định cư chưa GPMB được.
Nguyên nhân do các hộ dân có khiếu nại về xác định nguồn gốc đất, giá bồi thường. Đây là các vấn đề thường xảy ra khi GPMB ở các địa phương.
“Hiện tại chúng tôi đang tiến hành tuyên truyền vận động để người dân chấp hành. Các khu tái định cư hiện bị chậm do thời tiết mưa nhiều khiến quá trình thi công đắp đất bị kéo dài. Tuy nhiên, hiện các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến trong quý I/2021 sẽ hoàn thành tất cả các khu tái định cư”, ông An nói.
Về tiến độ di dời công trình kỹ thuật, ông An cho biết, hiện còn vướng đường dây điện 220kv và 250/280 ngôi mộ chưa di dời, Ban chỉ đạo đang yêu cầu các địa phương tích cực triển khai.
Đại diện tư vấn TEDI nêu vấn đề khó khăn khi nhiều mỏ vật liệu ở địa phương đã có trong quy hoạch chưa được cấp phép khai thác.
Giải quyết trước mối lo thiếu vật liệu
Theo báo cáo của tư vấn TEDI, để thi công 50km đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ cần khoảng 7,9 triệu m3 đất đắp, trong đó đất tận dụng khoảng 1 triệu m3, còn thiếu 6,9 triệu khối. Đá dăm cần khoảng 500.000m3 và một số lượng cát để xử lý nền đất yếu.
Trong đó, gói 1 qua đoạn giáp ranh 2 tỉnh thì không lo về mỏ và khối lượng đất đá do ở đây đang có các mỏ đang khai thác, trữ lượng còn rất lớn. Các gói còn lại sẽ sử dụng các mỏ ở khu vực Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, trữ lượng đảm bảo nhưng đều trong dạng quy hoạch chưa được cấp phép khai thác.
“Đây là vấn đề đáng lo ngại mà Bộ đang rất quan tâm. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và đơn vị liên quan sớm thực hiện các thủ tục cấp phép cho các mỏ để đảm bảo quá trình xây dựng sắp tới”, đại diện TEDI nói.
Đối với đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, các mỏ đã được khảo sát nằm ở huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Trong đó, đá phân bổ dọc theo tuyến, riêng đá bê tông nhựa lớp trên thì sẽ vận chuyển từ Yên Thành vào để đảm bảo chất lượng. Ở đoạn này các mỏ đất cũng đang trong quá trình quy hoạch chưa được cấp phép.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Toàn, Phó giám đốc Sở TN&MT Nghệ An cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 12 mỏ đất đã cấp phép và thăm dò, trữ lượng khoảng 6,9 triệu m3. Hiện Sở tiếp nhận hồ sơ đấu giá 30 mỏ đất san lấp trên địa bàn. Tổng trữ lượng dự kiến khoảng 45 triệu m3. Đến 10/3/2021 sẽ kết thúc tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá. Sau đó, sẽ tiến hành đấu giá, cấp phép thăm dò, đến Quý III/2021 có thể cấp phép khai thác mỏ. Với trữ lượng này chắc chắn sẽ đạt yêu cầu.
“Về mỏ đá, có 83 mỏ đang hoạt động, 20 mỏ phục vụ cấp đá cho cao tốc. Cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đá, cũng như chất lượng đá”, ông Toàn thông tin.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Lê Hồng Vinh cam kết sẽ PGMB đúng tiến độ và giải quyết nhanh vấn đề mỏ vật liệu.
Theo ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, mặc dù GPMB đã được trên 90% nhưng số lượng còn lại đều là những vị trí có khá nhiều vướng mắc như di dời đường điện, mồ mả, có khiếu nại... khiến tiến độ chậm hơn so với kế hoạch được giao. Từ đó. ông Vinh yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan bám tiến độ được giao, giải quyết dứt điểm các vướng mắc.
Về vấn đề mỏ, ông Vinh cũng bày tỏ lo ngại: “Mặc dù Nghệ An có 30 mỏ đất đưa ra đấu giá trong thời gian này, nhưng thực chất chúng ta chưa rõ trữ lượng, chất lượng như thế nào? Có đảm bảo làm đất đắp K95, K98 không? Giá vật liệu sau đấu giá như thế nào? Xác định cự ly vận chuyển, xác định tuyến đường công vụ thi công nội, ngoại tuyến, từ đó chính quyền địa phương có cơ sở giám sát khi hoàn trả. Tới đây tỉnh sẽ họp bàn để có phương án giải quyết sớm những vấn đề này”.
Đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các sở ngành, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh: “Bản thân chúng ta chắc chắn ai cũng mong muốn sớm có một tuyến cao tốc đảm bảo tiến độ và chất lượng cao nhất trên quê hương mình. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để chúng ta rà soát lại lần nữa, giải quyết tất cả các vướng mắc, không để xảy ra đội giá vật liệu, chậm GPMB”.
Thứ trưởng Nhật giao Ban QLDA 6 ngay trong tuần sau phối hợp địa phương đi rà soát lại mốc GPMB toàn tuyến. Quá trình rà soát tới đâu Ban tiếp nhận tới đó, đồng thời khôi phục lại mốc đã mất; lập danh sách những vấn đề, nhưng nơi còn vướng mắc, báo cáo tỉnh và bộ xử lý dứt điểm.