Báo cáo tại hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Năm 2016, sản xuất nông, lâm và thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều địa phương chịu thiên tai kép; sự cố môi trường biển miền trung; thị trường xuất nhập khẩu bị cạnh tranh gay gắt…
Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng, nhà nước, ngành NN&PTNT đã vượt qua thách thức, duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị
Kết thúc năm 2016, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng trưởng toàn ngành tăng 1,2% so với năm 2015, trong đó, chăn nuôi duy trì tốc độ tăng cao (5,4%), sản xuất chuyển hướng theo quy mô lớn, liên kết chuỗi; trồng trọt, thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn được duy trì; xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp tăng trưởng cao (đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015). Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt mục tiêu với 2.235 xã đạt chuẩn.
Quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công, kết cấu hạ tầng ưu tiên cho phục vụ tái cơ cấu. Công tác quản lý chất lượng và VSATTP bước đầu được kiểm soát. Cả nước có 50 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 444 mô hình điểm về chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn. Năm 2016 cũng là năm thành công trong việc thu hút nguồn ODA; ứng dụng KHCN, nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2017, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế, tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả cạnh tranh; tiếp tục chọn là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chưa bao giờ nền nông nghiệp nước ta lại chịu ảnh hưởng dồn dập của thiên tai, sự cố như năm qua. Nhưng với những kết quả đạt được, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao; tái cơ cấu nông nghiệp có kết quả bước đầu, nổi lên nhiều địa phương có chuyển biến rõ rệt, đời sống người nông dân được cải thiện.
Thủ tướng Chính phủ cũng phân tích những vấn đề tồn tại như: Chất lượng của các HTX còn yếu; KHCN chưa tiến bộ; chất lượng lao động nông thôn còn thấp; tình trạng ATTP, giống, vật tư nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập; thương mại điện tử trong nông nghiệp còn kém; nông thôn mới chưa thực sự hiệu quả; hệ thống thủy lợi nhiều nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cao; công tác thanh, kiểm tra ở cơ sở chưa thực sự tốt…
Diện mạo đổi thay của xã NTM Sơn Kim 1 - Hương Sơn
Xác định chiến lược cho nông nghiệp – nông thôn thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành chú trọng xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, tạo ra giá trị cao. Đó là nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp công nghệ cao; nền nông nghiệp chú trọng nhiều cho giá trị hơn là sản phẩm thô; phát triển toàn diện, lâm ngiệp và thủy sản vẫn là chiến lược; nền nông nghiệp chống chịu BĐKH; hội nhập quốc tế sâu rộng…
Nhiệm vụ trước mắt, các địa phương cần sớm khắc phục thiên tai, tổ chức sản xuất một vụ đông đặc biệt để giải quyết cứu đói, chuẩn bị chăm lo tết cho nhân dân; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị; tiếp tục tổ chức sản xuất theo mô hình phù hợp; hiện đại hóa hạ tầng nông thôn theo hướng nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai…
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Những cơ chế trong thẩm quyền nếu là rào cản, ràng buộc sự phát triển của nông nghiệp - nông thôn, Thủ tướng sẵn sàng bãi bỏ, vì dân, vì nông nghiệp nông thôn. Xây dựng NTM phải nhằm đến phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống người nông dân. “