Liên tục giữ mức tăng trưởng cao
Tổng mức bán lẻ hàng hoá liên tục tăng trưởng trong các năm trở lại đây, phản ánh tích cực về sức mua và sự tăng trưởng nền kinh tế toàn tỉnh.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, 3 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh tăng trưởng ổn định (trên 7%/năm), đặc biệt, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 đã tiệm cận giá trị gần 40.000 tỷ đồng.
Trưởng phòng Thống kê – Thương mại (Cục Thống kê Hà Tĩnh) Uông Thị Hoàn cho hay: “Đây là mức tăng trưởng khả quan, phản ánh sự phát triển mạnh của kinh tế và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thị trường hàng hóa đa dạng, hệ thống hạ tầng hiện đại đang tạo “lực đẩy” lớn cho thị trường toàn tỉnh”.
Ô tô là một trong những nhóm ngành giữ mức tăng trưởng kỷ lục trong những năm trở lại đây.
Với sự phát triển của hệ thống các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, đại lý lớn như: Vincom Plaza, Co.opmart, showroom Honda ô tô của Kim Liên Group, Toyota Phú Tài Đức, chuỗi cửa hàng Vinmart+; hệ thống chợ truyền thống được nâng cấp khang trang, hiện đại… tiếp tục đưa hoạt động thương mại toàn tỉnh phát triển nhanh chóng.
Chị Lê Thị Thu Huyền – Trưởng phòng Kinh doanh Toyota Phú Tài Đức cho biết: “Thị trường bán lẻ ô tô tại Hà Tĩnh đang vào thời kỳ sôi động với sự xuất hiện của hàng loạt showroom phân phối những hãng xe lớn chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của thị trường.
Người dân ở cả thành thị và nông thôn ngày càng có nhu cầu sở hữu xe riêng để thuận lợi cho việc di chuyển. Chỉ tính riêng năm 2019, chúng tôi dự kiến bán ra được hơn 700 xe. Doanh thu từ đầu năm tới nay của doanh nghiệp tăng trưởng tốt và tương đối ổn định với bình quân số xe bán ra khoảng 60 chiếc mỗi tháng”.
Thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Bạn Nguyễn Thị Huyền Thương (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Bây giờ, sự xuất hiện của các hình thức thương mại điện tử, mua sắm online mang đến cho người mua nhiều trải nghiệm tiêu dùng mới, tiện lợi và đa dạng hơn. Bản thân người mua tiết kiệm được nhiều thời gian lắm”.
Dư địa phát triển còn lớn
Theo đánh giá, ngành bán lẻ trên địa bàn vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư do Hà Tĩnh vẫn là một thị trường trẻ; các yếu tố như quy mô dân số ổn định, nhu cầu tiêu dùng, thu nhập bình quân… đang trong giai đoạn tăng trưởng, đảm bảo sự phát triển có tính ổn định cao cho thị trường.
Các chuỗi cửa hàng bán lẻ tiếp tục “tiến sâu” về khu vực nông thôn, mở rộng thị trường. Trong ảnh: Hệ thống cửa hàng của Điện máy Xanh tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Với dân số hơn 1,3 triệu dân, Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khoảng trống để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ trên địa bàn “chen chân” phát triển và mở rộng thị phần, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Hiện nay, Siêu thị Big C đang khảo sát, tìm kiếm địa điểm đầu tư siêu thị trên địa bàn TP. Hà Tĩnh; các chuỗi cửa hàng bán lẻ liên tục mở các điểm kinh doanh tại nông thôn. Điều này chứng tỏ “sức hút” lớn đến từ thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh”.
Mua sắm trong các siêu thị, trung tâm thương mại... đang trở thành thói quen của tầng lớp cư dân thành thị.
Đặc biệt, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng với sự xuất hiện của tầng lớp thu nhập ổn định, “chịu chi" trong mua sắm cũng là động lực của thị trường trong thời gian tới. Theo khảo sát, người tiêu dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn vào các nhóm hàng như thực phẩm, hàng điện tử, dược phẩm,… cho thấy xu hướng nâng tầm cuộc sống.
Anh Trần Đình Chung – cán bộ marketing (Siêu thị Co.opmart) cho biết: “Thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh sẽ liên tục phát triển trong thời gian tới. Các nhà bán lẻ phải nỗ lực khi liên tục tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra các hình thức kinh doanh mang đến sự trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Đồng thời, tăng chế độ hậu mãi, phục vụ chu đáo… để “giữ” chân khách hàng".
Hàng hóa đa dạng đi kèm các tiện ích khi mua sắm sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Chính sự phát triển và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường đi lên trong năm 2020, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, thị trường vẫn luôn cần sự điều hành, định hướng đúng từ cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.