Đến nay, 101 tàu cá có chiều dài trên 15m của Hà Tĩnh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Thực hiện các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), đến nay, 101/107 tàu cá có chiều dài trên 15m của Hà Tĩnh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (còn 6 tàu hiện hư hỏng không hoạt động và đã có cam kết sẽ lắp đặt thiết bị này trước khi hoạt động trở lại).
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phải đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi quay trở về.
Tuy nhiên, qua theo dõi của Trạm bờ và hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, Hà Tĩnh có 9/101 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày với hệ thống.
Cán bộ Cảng cá Xuân Hội theo dõi thiết bị định vị của tàu cá trên hệ thống phần mềm quốc gia.
Tại Cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân), tuy công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện các quy định của IUU trong khai thác hải sản đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình trạng các tàu cá (chiều dài từ 15m trở lên) vẫn diễn ra vi phạm.
Trong đó, 2 tàu cá mang biển số HT-96718-TS do ông Nguyễn Đức Huy làm chủ và tàu HT-96726-TS do ông Nguyễn Văn Ất làm chủ (đều ở huyện Nghi Xuân) vi phạm 4 lỗi: không có giấy chứng nhận kỹ thuật tàu cá, không thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời/cập cảng, không tuân thủ nội quy của cảng cá và không duy trì hoạt động giám sát hành trình.
Riêng hành vi không duy trì giám sát hành trình có mức xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng (theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ).
Hà Tĩnh có 9 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày.
Ông Đinh Sỹ Long - Cảng trưởng Cảng cá Xuân Hội cho biết: “Khi tiến hành trao đổi để xử lý, các chủ tàu luôn giải thích thiết bị giám sát hành trình không hoạt động là do điều khiển chưa thông thạo, thiết bị của nhà cung cấp tín hiệu hoạt động kém, không có điện để duy trì thiết bị trên biển...
Chúng tôi và huyện Nghi Xuân đã thường xuyên làm việc trực tiếp với chủ tàu để nhắc nhở, lập biên bản, thống kê các tàu vi phạm gửi đến cơ quan chức năng theo quy định. Thế nhưng đến nay, cấp có thẩm quyền chưa có hướng xử phạt phù hợp nên các trường hợp này vẫn tái diễn vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý tàu cá của đơn vị”.
Biên bản làm việc (phía tay trái) khi tàu cá mang số hiệu HT-90406-TS của ngư dân Nguyễn Đức Thành mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình.
Tàu cá mang số hiệu HT-90406-TS của ngư dân Nguyễn Đức Thành (huyện Lộc Hà) cập cảng Thạch Kim (huyện Lộc Hà) thường mất kết nối sau khi ra biển khai thác hải sản. Khi trao đổi với cơ quan chức năng, chủ tàu “viện” lý do ra khơi thời tiết khó khăn nên thiết bị không hoạt động được. Trường hợp này, Ban Quản lý Các cảng cá bến cá Hà Tĩnh đã nhắc nhở, lập biên bản làm việc và thông báo cho Chi cục Thủy sản và Sở NN&PTNT để xử lý.
Ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cho biết: “Bên cạnh nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía ngư dân như sợ lộ bí mật luồng cá, không thành thạo sử dụng… thì tình trạng thiết bị giám sát hành trình hoạt động trong môi trường hơi nước mặn nên dễ bị hỏng, phải gửi máy đi Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh xử lý, mất thời gian từ 1 - 2 tháng cũng gây không ít trở ngại cho cả ngư dân lẫn đơn vị chức năng trong kiểm tra, giám sát hoạt động”.
Người dân đến làm các thủ tục xuất cảng tại Cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà).
Theo quy định, trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 6 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị hỏng, nếu không sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, thời gian vừa qua, Hà Tĩnh có một số tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển và được hệ thống giám sát của Tổng cục Thủy sản báo về. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức về đánh bắt của những chủ tàu cá vẫn còn hạn chế, mức xử phạt cao (300 - 500 triệu đồng) nên tỉnh vẫn chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, lập biên bản, chưa xử phạt trường hợp nào.
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một trong những yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam. Ảnh tư liệu
Cùng với đó, khâu xác định lỗi sai thuộc về yếu tố chủ quan hay khách quan vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trên toàn quốc. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về quá trình xử lý lỗi mất kết nối thiết bị gám sát hành trình. Trong thời gian chờ thông tin từ Bộ NN&PTNT, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, không cho tàu cá xuất cảng khi chưa bật và kết nối thiết bị giám sát hành trình.