BQL Các cảng cá phải quản lý nhiều đầu mối công việc song lại không đủ biên chế để giao nhiệm vụ.
Năm 2010, BQL Các cảng cá Hà Tĩnh được giao biên chế 10. Từ đó đến nay, số lượng biên chế còn thiếu vẫn giữ nguyên con số 4. Thiếu 4 biên chế so với định biên, trong khi cấp trên lại giao thêm nhiều nhiệm vụ mới khiến cho việc phân công nhân sự tại đây càng… thiếu chuyên nghiệp. Hiện tại, cảng đang duy trì hợp đồng với 16 lao động.
Năm 2010, BQL Các cảng được giao quản lý 1 cảng và 2 khu vực neo đậu ở Cửa Sót và Cửa Nhượng. Tuy nhiên, đến năm 2014, đơn vị được giảo quản lý thêm cảng Xuân Hải (Nghi Xuân). 4 năm sau, năm 2018, đơn vị lại “sở hữu” quyền quản lý khu neo đậu Kỳ Hà (TX Kỳ Anh).
Cũng năm này, theo quyết định của UBND tỉnh, BQL được giao thêm nhiệm vụ phối hợp các ngành thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá. Bộ phận thanh tra, kiểm soát này ra đời nằm trong nỗ lực khắc phục sự cố “thẻ vàng” IUU (đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý). Theo quy định, việc kiểm soát ở đây phải 24/24 giờ, trong khi không đủ người nên cảng phải bố trí theo hướng “bắt cóc” (điều nơi này về nơi kia).
Tàu vào khu neo đậu Cửa Sót
Theo tính toán, chỉ riêng việc kiểm soát tại đây, cảng đã đội lên nhiều việc. Thông tin từ phía cảng cho hay, mỗi năm, riêng cảng cá Thạch Kim có từ 20-22 ngàn lượt tàu thuyền vào ra với 8-10 ngàn tấn hải sản. Có nghĩa, cảng và các đơn vị liên quan phải xử lý từ 20 - 22 ngàn bộ hồ sơ cho chủ các tàu thuyền gồm: giấy vào, ra cảng, nhật ký khai thác, biên bản về kiểm tra sản lượng…
Đáng nói, việc cấp giấy không phải hoàn thành 1 lúc mà trong nhiều giờ do: tàu vào cảng lúc này nhưng ra khơi lúc khác, có tàu đậu 1 ngày, có tàu 3, 4 ngày sau mới đi và khi đi thì “vui khi nào ra khơi khi đó”. Ngoài ra, tại đây, từ 4 – 5h sáng mỗi ngày, tàu thuyền ào ạt vào nên các lực lượng phải làm việc theo cách bám từng giờ tại văn phòng. Việc điều động, đổi lịch trực, vì thế, có những khó khăn.
Ngoài khối lượng nhiệm vụ phát sinh trên, được biết, tới đây, cảng còn được giao thêm nhiệm vụ quản lý khu neo đậu Cửa Hội - Xuân Phổ.
Khó khăn không chỉ có vậy, do thiếu biên chế, BQL Các cảng đành “bó tay” trong bổ nhiệm nhân sự các vị trí quan trọng.
Tại khu neo đậu Cửa Nhượng, mặc dù phải quản lý nhiều tàu thuyền neo đậu nhưng người đảm nhiệm quản lý vẫn chỉ là “hợp đồng”. Anh Lê Duy Hoàng, người phụ trách khu neo đậu ở đây từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa được biên chế nên không thể bổ nhiệm chức vụ trưởng khu neo đậu.
Tương tự tình trạng không biên chế nhưng phải đảm nhiệm công việc như cấp trưởng, anh Phan Văn Phú được dân đi biển gọi là Trưởng phòng Dịch vụ hậu cần song 7 năm qua, anh vẫn chỉ làm việc theo hợp đồng.
Chủ tàu đánh bắt trên biển vào làm thủ tục tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá
“Chúng tôi rất hiểu bối cảnh chung hiện nay khi tất cả các cơ quan đều rút gọn biên chế nhưng với đơn vị chúng tôi, hiện không đủ biên chế để bố trí đảm nhiệm các chức vụ trưởng một số bộ phận. Ngoài ra, việc cấp trên giao thêm việc do yêu cầu nhiệm vụ mà không giao biên chế càng làm đơn vị thêm khó khăn. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, không bố trí thêm thì cũng phải đủ biên chế cho đơn vị nhưng nhiều năm vẫn chưa được bổ sung” – ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh cho hay.
Ông Tô Quang Nghệ - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cũng cho rằng: “Nhiều năm qua, BQL Các cảng cá có đề nghị nhưng không có chủ trương bổ sung biên chế nên đành chịu. Thực trạng này làm cho cảng gặp khó khăn khi bố trí các chức vụ như cảng trưởng, trưởng khu neo đậu”.