Theo thông báo được đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Nga đưa ra thì dự kiến sang tới đầu tháng 7/2019, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu nhận được những thành phần đầu tiên của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400.
Điều này khiến Mỹ không thể ngồi yên vì họ đã làm mọi cách ngăn cản đồng minh mua vũ khí Nga dựa vào Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (Đạo luật CAATSA).
Mỹ đưa ra cảnh báo nghiêm khắc rằng quan hệ đồng minh giữa Ankara và Washington sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết theo đuổi thương vụ này đến cùng.
Biện pháp được Mỹ tiến hành chính là phong tỏa tổ hợp S-400 này của Thổ Nhĩ Kỳ, không cho phép nó kết nối với mạng lưới phòng không chung của khối quân sự NATO.
Chưa dừng lại ở đây, Mỹ còn đe dọa sẽ chấm dứt mọi chương trình hợp tác quân sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó quan trọng nhất là đình chỉ việc bàn giao 100 tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II.
Bên cạnh đó Thổ Nhĩ Kỳ còn bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng phụ tùng cho F-35 bất chấp việc họ là một trong những quốc gia đã góp vốn cho dự án tham vọng này từ đầu.
Mặc dù vậy, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là rất cứng rắn khi khẳng định đây là đơn hàng đã chốt, thái độ trên của Ankara theo nhận định là vì họ nghĩ rằng Washington chỉ dọa mà thôi.
Sở dĩ có đánh giá trên là bởi Mỹ mặc dù liên tục đưa ra cảnh báo nhưng nhà sản xuất Lockheed Martin vẫn thực hiện hợp đồng chế tạo và bàn giao tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tiêm kích F-35A Lightning II của không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại vẫn chưa được ra khỏi đất Mỹ nhưng về danh nghĩa thì nó là thuộc sở hữu của quốc gia này.
Ngoài ra các trung tâm huấn luyện của Mỹ hiện vẫn tiến hành công tác đào tạo phi công lái tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ như bình thường, có lẽ những điều trên đã khiến Ankara cảm thấy chẳng có gì phải lo.
Nhưng Ankara sẽ phải lưu ý hơn đến phản ứng của Mỹ khi vào hôm 7/6, tờ Sputnik đưa tin Washington đã quyết định ngừng tiếp nhận mới phi công Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình huấn luyện máy bay chiến đấu.
Theo Reuters, hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ quyết định đảo ngược chính sách huấn luyện phi công cho tiêm kích F-35 này của Thổ Nhĩ Kỳ là lời "cảnh cáo" và khả năng thay đổi phụ thuộc vào quyết định của Ankara.
Như vậy đây có thể xem là phản ứng cứng rắn nhất và là lời cảnh báo cực kỳ nặng tay được Mỹ đưa ra nhằm ép buộc đồng minh phải từ bỏ thương vụ mua sắm S-400.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua diễn biến mới nhất vừa được đưa ra, có lẽ họ đã hiểu rằng Mỹ không hề nói chơi và sẽ đình chỉ thực sự việc bàn giao các tiêm kích tàng hình F-35 cho họ.
Lợi ích mà tổ hợp tên lửa phòng không S-400 mang lại cho Ankara rõ ràng chẳng thể nào so sánh với 100 tiêm kích tàng hình F-35, cho nên rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc lại và hủy bỏ hợp đồng mua S-400.