Trước đây, phải ngoài rằm tháng Giêng, người nuôi hươu mới bắt đầu thu hoạch nhung nhưng hiện nay, nhờ chú trọng sàng lọc đàn thường xuyên nên chất lượng, sản lượng nhung ngày càng tăng. Vì vậy, thời điểm này, nhiều con đã bắt đầu đổ đế mọc nhung, có thể cho thu hoạch trước tết. Chính vì thế, người nuôi cũng đầu tư thời gian, thức ăn và thiết bị giữ ấm cho hươu khi cần để có thể có thêm nguồn thu cho gia đình trước tết Nguyên đán.
Nuôi đàn hươu 20 con, trong đó có 10 con hươu đực đã đến tuổi cho nhung nên bà Nguyễn Thị Linh (thôn Sông Con, xã Quang Diệm) đang tích cực chăm sóc hươu. Hiện trong đàn hươu của bà Linh có 4 con vừa đổ đế, chuẩn bị mọc nhung, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào dịp gần tết.
Giai đoạn này, bà Linh chú trọng việc tăng khẩu phần ăn cho hươu.
Bà Linh cho biết: "Ngoài 4 con hươu đực vừa đổ đế thì 6 con còn lại khả năng cũng sẽ cho nhung vào dịp ra tết. Vì vậy, thời gian này, gia đình tôi rất quan tâm tới việc bổ sung chất dinh dưỡng cho hươu. Để nhung đạt chất lượng tốt, tôi tăng khẩu phần ăn, cung cấp đủ chất dinh dưỡng bằng các loại lá mà hươu thường ăn như: lá mít, cỏ voi, cỏ sữa hoặc thức ăn giàu tinh bột như sắn, ngô... Những thức ăn này giàu chất dinh dưỡng, giúp cho nhung hươu nhanh lớn. Đặc biệt, thức ăn luôn phải sạch, có vậy, hươu mới không bị mắc các bệnh về đường ruột".
Những loại thức ăn xanh như cỏ, ngô, lá được bà Linh trộn với bột ngô hoặc các loại vitamin để hươu đủ dưỡng chất giúp nhung phát triển tốt.
Có thâm niên nuôi hươu 20 năm nên bà Linh có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, đón đầu mùa nhung. Chính vì thế, hầu như năm nào gia đình bà cũng “thắng lớn”. Riêng dịp tết Quý Mão, gia đình bà thu hoạch gần 4kg nhung. Với giá bán 11 triệu đồng/kg, gia đình bà đã đón một cái tết đủ đầy hơn.
Hươu sao vốn là vật nuôi chủ lực của huyện Hương Sơn, vì thế, hầu hết các xã, thị trấn của huyện đều có hộ chăn nuôi hươu, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã Quang Diệm, Sơn Trường, Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Châu... Vào thời điểm này, người nuôi hươu của các địa phương đang tích cực chăm sóc hươu để chờ ngày hái “lộc” vào dịp tết.
Trang trại chăn nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp (thôn 8, xã Sơn Giang) hiện có 160 con, trong đó có 70 con hươu đực đang vào độ tuổi cho nhung. Thời điểm này, trang trại đang có 25 con vừa đổ đế, mọc nhung. Để nhung phát triển tốt nhất, anh Tiệp đang gấp rút bổ sung các loại thức ăn cho hươu.
Tăng khẩu phần ăn, bổ sung các loại thức ăn giàu tinh bột, trộn thêm vitamin là cách anh Tiệp thường xuyên thực hiện để nhung hươu phát triển tốt.
Hươu là vật nuôi không kén thức ăn nhưng yêu cầu thức ăn phải sạch, đặc biệt, trước thời điểm hươu đổ đế phải có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn thường ngày. Ngoài thức ăn xanh là các loại lá cây, cỏ, ngô, anh Tiệp ưu tiên bổ sung thêm tinh bột cho hươu như: ngô, gạo nếp, các loại khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho hươu, giúp nhung phát triển đạt trọng lượng chuẩn.
Ngoài việc bổ sung thức ăn cho hươu, anh Tiệp chú trọng đến công tác vệ sinh, đảm bảo nguồn nước uống giúp hươu phát triển khỏe mạnh.
Anh Tiệp chia sẻ: "Chất lượng nhung phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong quá trình chăn nuôi và lấy nhung. Hiểu rõ điều này nên tôi rất quan tâm đến việc bổ sung dinh dưỡng cho hươu vào giai đoạn chuẩn bị mọc nhung. Đặc biệt, tôi thường xuyên thay đổi các loại thức ăn để tránh hươu chán ăn. Ngoài ra, thỉnh thoảng, tôi sẽ bổ sung thêm vitamin A, D, E để nhung hươu phát triển tốt. Bên cạnh đó, tôi luôn đảm bảo nguồn nước an toàn, sạch sẽ. Nếu như mùa hè, hươu cần được cung cấp 6 - 8 lít/ngày thì mùa đông này, hươu cần từ 4 - 6 lít/ngày. Máng nước của hươu cũng được dọn rửa hằng ngày để tránh vi khuẩn, mầm bệnh".
Bên cạnh chăm hươu đực để thu hoạch nhung, đàn hươu cái cũng được anh Tiệp chăm sóc cẩn thận để hươu sinh trưởng tốt nhất.
Nhờ cách chăm sóc chu đáo nên dù mới bắt tay vào nuôi hươu vào đầu năm 2022 nhưng trang trại của anh Tiệp đã gặt hái được những thành quả bước đầu khi thu về lợi nhuận khoảng 2 tỉ đồng (bao gồm bán nhung, hươu giống, hươu cái và hươu con). Bên cạnh đó, trang trại cũng mở rộng liên kết nuôi hươu tại các tỉnh: Nghệ An, Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng...
Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện Hương Sơn thu khoảng 18,9 tấn nhung hươu.
Ngoài việc quan tâm khẩu phần ăn cho hươu thì người chăn nuôi cũng rất quan tâm tới yếu tố thời tiết. Hiện nay, thời tiết tại huyện Hương Sơn khá thất thường với nền nhiệt sáng sớm thấp, trưa trời nắng nhưng về chiều và đêm lại trở lạnh nên hươu rất dễ bị bệnh. Vì vậy, việc tăng cường đề kháng cho hươu vô cùng quan trọng. Dự báo sắp tới, thời tiết có thể mưa rét kéo dài nên những hộ nuôi hươu cũng đầu tư che chắn chuồng trại cẩn thận, giữ gìn vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho hươu, tránh ảnh hưởng đến việc phát triển của nhung.
Toàn huyện Hương Sơn hiện có đàn hươu hơn 44.500 con. Riêng tết năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 21.000 con cho nhung với sản lượng ước tính khoảng hơn 18,9 tấn. Với giá bán khoảng 11 triệu đồng/kg, toàn huyện ước đạt sẽ thu được trên 200 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung. Thời điểm này, Phòng NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn, giúp đỡ người dân các kỹ thuật chăm sóc hươu thời kỳ mọc nhung.