Sáng (2/6), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Dù đánh giá tích cực về kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng, nhưng trong thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng, nhiều bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất, vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp và môi trường đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2018 |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kinh tế xã hội tháng 4 và tháng 5 chuyển biến tích cực và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), một chỉ số dự báo các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, tháng 5 tăng lên 53,9 điểm, cao nhất trong ASEAN.
Thủ tướng cũng đánh giá một số lĩnh vực có sự tăng trưởng nổi trội, trong đó sản xuất nông nghiệp được mùa vụ Đông Xuân với sản lượng thóc tăng thêm trên 1,1 triệu tấn. Giá lúa gạo cũng tăng cao giúp nông dân trồng lúa lợi nhuận tốt. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì ở nhiều vùng, nông dân trồng lúa có thể đạt lợi nhuận từ 30 đến 50%.
Với việc nhiều địa phương đạt giá trị sản xuất lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số tỉnh Đông Nam bộ và địa phương trọng điểm, Thủ tướng cho rằng đang có một không khí thi đua để thúc đẩy tăng trưởng.
Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng tới 10,1%. Khách du lịch quốc tế đạt trên 6,7 triệu lượt. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng trưởng cao và xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Cùng với giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh thì 5 tháng qua cả nước đã có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 1,42 triệu tỷ đồng.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, không thể chủ quan với những nguy cơ của nền kinh tế, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng 0,55% so với tháng trước. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là mức tăng cao trong khi mục tiêu quan trọng của năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
“Chúng ta phải tính toán tổng thể các giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4% theo Nghị quyết Quốc hội. Tinh thần này phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tôi đề nghị các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công thương và một số bộ (thực hiện) theo hướng không tăng giá điện năm nay. Chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp. Cùng với đó, tín dụng sản xuất kinh doanh, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để sức ép tăng giá lớn”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu thực tế, 5 tháng đầu năm mới đạt gần 29% kế hoạch. Không chỉ các bộ, ngành giải ngân đạt thấp mà các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, mới giải ngân đạt 30%, Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 15% kế hoạch. Đây chính là nguyên nhân làm tăng chi phí, đội vốn, chậm đưa công trình vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ đưa giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân của năm nay.
Cho rằng lượng vốn đầu tư trên một đơn vị diện tích còn thấp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Từ thực tế giá trị xuất khẩu nông sản rất lớn nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu tiểu ngạch nên đóng góp vào tăng trưởng và GDP rất thấp, Thủ tướng cho rằng về lâu dài cần phải khắc phục vấn đề này.
Về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, Thủ tướng nêu thực tế vẫn còn tình trạng phá rừng phức tạp ở một số địa phương như Đắk-Lắk, Đắc Nông, Bắc Cạn, Gia Lai, KonTum, Quảng Nam… Bên cạnh đó vẫn xảy ra tình trạng cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng trong tháng 5, trong đó trong một tuần có tới 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra.
Dù số doanh nghiệp mới tăng khả quan, nhưng Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính như các bộ, ngành đã cam kết: "Đặc biệt là việc cắt giảm 50% thủ tục. Nhiều bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất, vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Nghị quyết 19 đã công bố các chỉ tiêu rất cụ thể, nhưng một số cấp, ngành vẫn chưa quyết liệt trong chuyện này. Chúng ta thảo luận vấn đề này để tạo môi trường đầu tư tốt hơn để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và doanh nghiệp phải thay đổi về chất. Chúng ta đang nói đầu tư trong nước phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thì rào cản thủ tục phải được tháo gỡ tốt hơn".
Mặc dù mới hết 5 tháng của năm nay, nhưng Thủ tướng nêu rõ, đã sắp hết nửa chặng đường của năm nay, nên ngay từ tháng này, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra để thực hiện cho được các mục tiêu kinh tế xã hội của năm nay, không chờ đến hết tháng 6 sẽ bị động.